Nhiều bệnh viện mua hoặc mượn trang thiết bị, vật tư y tế của nhà cung cấp, doanh nghiệp để chống Covid-19 nhưng đến nay chưa thanh toán được vì vướng thủ tục.
“Chủ nợ mòn mỏi chờ, con nợ thì mòn mỏi đợi hướng dẫn”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận) nói tại nghị trường, sáng 20/11.
Theo ông Thông, có những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, được bộ ngành trung ương ghi nhận nhưng rất lâu sau vẫn chưa có kết quả thỏa đáng. Bệnh viện nợ nần vì vướng thủ tục sau đại dịch là một trong những dẫn chứng.
Khi Covid-19 bùng phát, ca bệnh tăng nhanh nên việc mua sắm theo quy định thông thường gặp khó khăn. Với phương châm “đặt tính mạng và sức khỏe người dân lên trên hết”, nhiều bệnh viện đã vay, mượn trang thiết bị, vật tư y tế của nhà cung cấp hoặc doanh nghiệp và đến nay chưa thể thanh toán do vướng thủ tục. Tại Bình Thuận, các bệnh viện còn nợ doanh nghiệp 91 tỷ đồng.
Dù Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ có giải pháp về vấn đề này, nhưng đến nay các địa phương chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, ông kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn các bệnh viện thanh toán trong trường hợp vay, mượn trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ chống dịch.
PGS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nói việc bệnh viện vay mượn để chống dịch nhưng đến nay chưa trả được là vấn đề nổi cộm ở nhiều tỉnh thành từng có Covid-19 bùng phát. Khi chống dịch bệnh viện không chỉ vay mượn trang thiết bị, vật tư mà có nơi còn vay mượn suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén…
“Đại biểu Thông đề nghị Chính phủ hướng dẫn nhưng theo tôi là chưa đủ, bởi Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, nhưng luôn kèm theo câu thực hiện đúng quy định pháp luật. Như vậy, mọi việc vẫn đứng yên tại chỗ”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.
Ông cho biết tại bệnh viện ông công tác, có trường hợp tồn đọng quá lâu, không cách nào chi trả được vì quá thời hạn, quá năm tài khóa, chưa có quy định. Có những vụ việc phải đưa ra tòa xét xử “và chắc chắn bệnh viện bị xử thua vì dùng đồ đạc của người ta”. Khi đó, bệnh viện không chỉ phải bồi thường số tiền theo trị giá trang thiết bị vay mượn mà còn phải trả thêm lãi suất.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mong muốn Bộ Y tế sớm có hướng dẫn để gỡ vướng về những mặt hàng cụ thể mà các bệnh viện đã vay mượn khi chống dịch. Địa phương cần quyết liệt hỗ trợ bệnh viện giải quyết dứt điểm những tồn tại sau Covid-19, để đại dịch thực sự kết thúc, giúp ngành y tế yên tâm chăm sóc sức khỏe người dân.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói các văn bản hiện hành chưa có quy định về hình thức vay mượn, vay trước trả tiền sau, vay rồi đấu thầu để trả lại.
Tuy nhiên, bà thừa nhận Covid-19 là đại dịch chưa có tiền lệ, cần cấp bách đảm bảo sinh mạng người dân nên các bệnh viện có thể tạm ứng, vay mượn trang thiết bị, vật tư. Dù Quốc hội đã giao Chính phủ tháo gỡ “nhưng đây là việc rất khó”.
Bộ Y tế đã thống kê đến nay 48 địa phương và 7 bộ ngành có bệnh viện vay mượn chống dịch, tổng số tiền gần 1.700 tỷ đồng; trong đó vay mượn thuốc, sinh phẩm 750 tỷ; vay kit xét nghiệm 940 tỷ. Trên cơ sở này, Bộ Y tế sẽ phân loại hình thức vay mượn để tìm giải pháp xử lý triệt để.
“Tinh thần là vì chưa có quy định trong các luật nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ chế gỡ khó cho các bệnh viện”, Bộ trưởng Lan cho hay.