Thiếu trầm trọng
Ông Đoàn Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) H.Thăng Bình (Quảng Nam), cho biết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại đơn vị diễn ra từ đầu năm đến nay.
Nguyên nhân là do việc đấu thầu năm 2023 cho đến tháng 6.2024 vẫn chưa có hồ sơ mời thầu. Để tạm giải quyết vấn đề này, TTYT mua tạm các loại thuốc cấp cứu để phục vụ bệnh nhân. Nếu bệnh nặng, trung tâm sẽ chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Nguyễn Tải, Giám đốc Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực Quảng Nam, cho hay BV cũng đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng.
“Việc thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra từ đầu năm, BV đang mượn và mua thuốc từ các BV khác trong toàn tuyến. Hiện tất cả các loại thuốc trong BV đều thiếu. Tầm 2 tháng nữa, nếu thuốc không có thì BV sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, bác sĩ Tải nói.
Bác sĩ Tải cho hay, theo quy định, một lần thầu 18 tháng, khi hết thầu sẽ có thầu mới gối đầu ngay vào đó để có đầy đủ thuốc và vật tư y tế cung cấp cho BV. Nhưng đến hiện tại, BV vẫn chưa có gói thầu nào.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam giao cho BV đa khoa khu vực Quảng Nam đấu thầu về gói thuốc Đông dược, nhưng hiện tại vướng rất nhiều. Điều đáng nói, vào ngày 27.4 vừa qua, lại có thông tư thay đổi nhóm loại thuốc nên BV phải thay đổi thời gian kiểm tra lại thầu. Trước đây, chỉ có 3 nhóm, bây giờ 4 nhóm, nếu thay đổi nhóm, giá các loại thuốc cũng sẽ thay đổi theo, dẫn đến kéo dài việc đấu thầu.
“Trong trường hợp nếu có bệnh nhân nặng sẽ được BV chuyển lên tuyến trên, bệnh nào xoay xở các thuốc tương đương còn lại thì sẽ hỗ trợ cho bệnh nhân”, bác sĩ Tải thông tin.
Mua thuốc cấp miễn phí cho người dân
Bác sĩ Trần Đỗ Nhân, Giám đốc TTYT H.Duy Xuyên (Quảng Nam), cho rằng tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở nhiều nơi, riêng TTYT H.Duy Xuyên cũng có thiếu nhưng không đáng kể.
“Những loại thuốc nào thiết yếu, nằm trong phạm vi TTYT lo được thì chúng tôi sẽ bỏ tiền ra mua rồi cấp phát miễn phí cho người dân”, bác sĩ Nhân chia sẻ.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết việc thiếu thuốc và vật tư y tế không riêng tỉnh Quảng Nam mà diễn ra nhiều địa bàn trên cả nước.
Theo ông Mười, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do chậm các gói thầu được đấu giá và việc dự trù thầu cũ, dự trữ thuốc của các BV, TTYT chưa chuẩn… dẫn đến việc hết thuốc trước thời hạn. Cùng với đó, việc đang thực hiện kiểm tra gói thầu giữa chừng, nhưng đến ngày 27.4 lại có thông tư hướng dẫn mới dẫn đến việc mất thời gian để thực hiện lại từ đầu.
“Hiện các BV đang kiểm tra công tác đấu thầu, dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ mở thầu để giúp các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh có thuốc, vật tư y tế phục vụ việc khám chữa bệnh”, ông Mười nói.