08:22, 16/05/2023
Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã cho các doanh nghiệp thuê đất rừng để đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp với mục tiêu thêm nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng. Tuy nhiên, những dự án này cho thấy hiệu quả thấp, bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác giữ rừng và đất lâm nghiệp.
Dự án triển khai chậm, quản lý kém
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 64 dự án được thuê đất đầu tư phát triển nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp, với diện tích đất được thuê gần 43.310 ha. Những dự án này chủ yếu có mục đích cải tạo rừng, trồng rừng, trồng cao su, QLBV rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi… Các dự án tập trung chủ yếu ở huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Lắk, M’Drắk…
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh thực địa một dự án nông lâm nghiệp tại xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp. |
Thực tế cho thấy, tiến độ thực hiện và hiện trạng các dự án được thuê đất rừng bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đơn cử như tại huyện Ea Súp có 27 dự án nông lâm nghiệp, với tổng diện tích hơn 17.492 ha, trong đó có 11 dự án trồng cao su và QLBV rừng; 11 dự án trồng, cải tạo, QLBV rừng và chăn nuôi heo công nghệ cao; 1 dự án trồng cây ăn trái và QLBV rừng cùng 4 dự án khác. Đến nay, tổng diện tích đã trồng, cải tạo rừng của các dự án là 1.579,4/4.295,3 ha, tương đương 31,8% so quy hoạch dự án. Các dự án mới trồng được hơn 1.628 ha cây cao su, tương đương 24,7% so với quy hoạch dự án. Tuy nhiên, một số diện tích cây cao su đã chết, không có khả năng khai thác mủ chiếm khoảng 35% diện tích đã trồng. Bên cạnh đó, nhiều chủ dự án quản lý rừng không hiệu quả, để xảy ra tình trạng chặt rừng, xâm lấn, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép.
Tương tự, huyện Ea H’leo có 17 doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án trồng rừng, trồng cao su, chăn nuôi và QLBV rừng. Theo đánh giá của địa phương, nhiều dự án để người dân xâm canh, lấn chiếm trong thời gian dài. Về hiệu quả, hầu hết diện tích cao su đã trồng thì cây sinh trưởng, phát triển ở mức trung bình và rất thấp, có một số dự án trồng cây cao su đã chết hoặc chủ đầu tư bỏ mặc không chăm sóc nữa.
Rừng trồng của doanh nghiệp trên địa bàn xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp mang lại hiệu quả không cao. |
Các dự án nông lâm nghiệp có nguồn vốn đầu tư khoảng 2.008 tỷ đồng, QLBV gần 13.095 ha rừng tự nhiên, sử dụng khoảng 2.451 lao động. Theo đánh giá của UBND tỉnh, về tiến độ thực hiện đầu tư cải tạo rừng, trồng rừng, trồng cao su thực hiện chậm so với quy hoạch của dự án (cải tạo trồng rừng được gần 836 ha, đạt 32,5%, trồng rừng, trồng cao su được gần 14.561 ha, đạt 61,16%). Về QLBV rừng tự nhiên vùng dự án, trong tổng số 46 dự án có diện tích rừng phải bảo vệ thì có 16 dự án có diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm 2.306,57/12.571,62 ha. Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn ra hết sức phức tạp. Các chủ dự án bố trí lực lượng QLBV rừng chưa đảm bảo cho việc bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao quản lý (có dự án chỉ bố trí 2 – 3 người); chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng của dự án….
Đối với quản lý đất đai trong vùng dự án, tổng diện tích đất lâm nghiệp của 64 dự án được thuê là hơn 43.309 ha. Qua kiểm tra, rà soát cho thấy, diện tích đất bị xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp hơn 6.705 ha, chiếm 15,5% trong tổng diện tích đất được giao cho các doanh nghiệp quản lý.
Nhiều vướng mắc, bất cập
Tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích đất có rừng là 501.206 ha (rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha), diện tích đất chưa có rừng là 232.423 ha, độ che phủ rừng là 38,35%. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém, như: thiếu năng lực, chậm tiến độ, cây trồng bị chết, sinh trưởng kém, chưa thực hiện có hiệu quả công tác QLBV rừng, để rừng bị chặt phá, đất đai bị xâm canh, lấn chiếm, giải quyết việc làm cho người lao động chưa đáng kể. Một số dự án có vi phạm pháp luật về đất đai đã bị thu hồi đất rừng, nhiều dự án chậm tiến độ cũng được xem xét, xử lý đề nghị thu hồi. Về ứng dụng khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp có quản lý diện tích rừng hầu hết không có cán bộ chuyên trách kỹ thuật. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ mới còn rất hạn chế, kể cả về người và trang thiết bị; chưa có bộ phận chuyên môn phụ trách công tác theo dõi, giám sát tài nguyên rừng bằng công nghệ.
Thực tế cho thấy, các dự án nông lâm nghiệp gần như “mắc cạn” xuất phát từ nguyên nhân là do năng lực của các chủ dự án chưa áp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng xuất phát từ những nguyên nhân khách quan khác và từ những vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng và lâm nghiệp. Cụ thể, công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số dự án đất quy hoạch trồng rừng, trồng cao su bị xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp trái phép vẫn chưa thu hồi để thực hiện dự án. Đối với các dự án phát triển cây cao su, chưa đầu tư thực hiện đúng giải pháp kỹ thuật, do giá mủ cao su giảm thấp trong thời gian dài. Các dự án cải tạo rừng vướng mắc do quy định về cải tạo rừng thay đổi nhiều lần; việc cải tạo rừng khộp nghèo chưa cho phép thực hiện nên hầu hết các dự án không triển khai được, dẫn đến chậm tiến độ. Diện tích trồng rừng sản xuất tại một số địa phương có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, chu kỳ đầu tư sản xuất dài, thu hồi vốn chậm nên kém hiệu quả.
Trong khi đó, các chính sách của Trung ương về phát triển nông lâm kết hợp, phát triển rừng gỗ lớn, cây đa mục đích, phát triển lâm sản ngoài gỗ chưa phù hợp; chính sách về bảo vệ, phát triển rừng của địa phương chưa ban hành cụ thể, chưa tạo động lực thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng…
Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tăng cường công tác trồng rừng, trồng cây xanh và QLBV rừng, tạo ra những đột phá để trồng và chế biến sản phẩm từ rừng trồng; ưu tiên phát triển nông lâm kết hợp, xây dựng thí điểm mô hình vườn rừng và các dự án thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, tiếp tục xử lý tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, dự án nông lâm nghiệp và lập phương án tổng thể đối với diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý để giải quyết cho các hộ không có đất, thiếu đất sản xuất, dân di cư ngoài kế hoạch và xây dựng công trình công cộng.
Minh Chi