Theo Phó Chủ tịch khoa học Cục Khí tượng Australia Andrew Pershing, thế giới vừa trải qua giai đoạn 12 tháng nóng nhất trong lịch sử 125.000 năm qua, với nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,3 độ C chỉ trong khoảng từ tháng 11/2022 đến hết tháng 10 năm nay.
Các dữ liệu phân tích của các nhà khoa học Australia và liên minh khí tượng quốc tế cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng nhiệt độ đáng kể trên khắp thế giới.
Báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Australia (NOAA) cũng nhấn mạnh, cường độ El Nino đang dần tăng lên và năm 2024 dự báo sẽ là một năm khắc nghiệt nhất từ trước đến nay, với mùa hè nóng và khô chưa từng có.
El Nino tại Thái Bình Dương dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm trong những tháng tới và là một trong những giai đoạn mạnh nhất được các nhà khoa học ghi nhận, khiến nhiệt độ trung bình có thể tăng lên tới hơn 2 độ C ở nhiều nơi trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 tới tháng 1/2024.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã nhất trí với đánh giá của NOAA và cảnh báo điều này sẽ khiến diễn biến thời tiết ở nhiều khu vực trên thế giới sẽ trở lên vô cùng khắc nghiệt.
El Nino có thể kéo dài ít nhất là 4 tháng và kết hợp với biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao hơn.
Không chỉ El Nino, các nhà khoa học Australia cũng nhận thấy khu vực Ấn Độ Dương cũng đang có những trạng thái thái bất thường, có khả năng tác động tới các kiểu thời tiết trên diện rộng. Theo đó, lưỡng cực Ấn Độ Dương đang hình thành và đạt đỉnh cao kỷ lục vào cuối năm nay, khi kết hợp với El Nino, sẽ gây ra tình trạng hạn hán trên diện rộng.
Do đó, bên cạnh việc kêu gọi các nước hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu, NOAA cũng khuyến cáo các nước, đặc biệt là các quốc đảo Thái Bình Dương và các nước đang phát triển, sớm có các phương án ứng phó với tình trạng khô nóng và có thể là hạn hán trên diện rộng trong năm 2024.
Thiên Thành(VOV-Australia)