Thực tế, nhiệt độ của chúng ta dao động từ 35,6 đến 37,5 độ C và trung bình là 37 độ C, theo The New York Times (Mỹ).
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2017 trên 126.000 người đã cho thấy nhiệt độ trung bình cơ thể người là khoảng 36,6 độ C. Các nghiên cứu gần đây cũng cho ra kết quả tương tự. Một số chuyên gia cho rằng, theo thời gian, nhiệt độ cơ thể người dần trở nên mát hơn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả đo nhiệt độ cơ thể.
Thứ nhất, nhiệt độ các cơ quan trong cơ thể khác nhau. Theo đó, nhiệt độ trực tràng cao hơn nhiệt độ ở miệng và cũng cao hơn đáng kể nhiệt độ ở da.
Thứ hai, nhiệt độ cơ thể sẽ dao động trong ngày, thường thấp vào buổi sáng và cao hơn vào cuối buổi chiều.
Thứ ba, thậm chí nhiệt độ cơ thể cũng thay đổi khi chúng ta vừa ăn hay uống một thứ gì đó.
Thứ tư, về giới tính, nữ giới có xu hướng ấm hơn nam giới một chút.
Thứ năm, về tuổi tác, người trẻ tuổi thường có nhiệt độ cao hơn những người lớn tuổi.
Thứ sáu, các nhiệt kế cũng có thể khác nhau và đo ra kết quả khác nhau, tùy thuộc vào cách chúng được hiệu chuẩn.
38 độ C trở lên được coi là sốt
Ông Waleed Javaid, bác sĩ và là giáo sư y khoa tại Trường Y khoa Icahn (Mỹ) cho biết: “Giống như nhịp tim hay huyết áp, nhiệt độ cơ thể cũng có phạm vi”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhiệt độ từ 38 độ C trở lên được coi là sốt.
Tuy nhiên, nếu nhiệt độ trung bình của con người thấp hơn thì nhiệt độ sốt cũng sẽ thấp hơn. Ông Javaid cho rằng chúng ta có khả năng bỏ sót các cơn sốt nhẹ do tiêu chuẩn nhiệt độ hiện nay.
Nhiệt độ cao là dấu hiệu để chúng ta xem xét lại sức khỏe của mình nhưng nhiệt độ cơ thể không phải là yếu tố duy nhất mà bạn cần chú ý.
Theo các bác sĩ, đối với tình trạng sốt nhẹ, chúng ta nên xem xét thêm các dấu hiệu khác để nắm bắt tình tình trạng sức khỏe một cách tốt hơn.