Và trong chuỗi 5 năm này sẽ có 1 năm nhiệt độ trung bình năm vượt quá 1,5 °C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Tính đến thời điểm này, năm 2023 được xem là năm nóng nhất lịch sử khi nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn tới 1,45 °C so với mức cơ sở thời kỳ tiền công nghiệp. Nguyên nhân là do sự ấm lên của khí hậu toàn cầu kéo dài và tác động của hiện tượng El Nino khá mạnh.
Theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia đồng ý duy trì nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2°C so với mức thời tiền công nghiệp và nỗ lực giới hạn mức tăng nhiệt độ dưới mức 1,5°C vào cuối thế kỷ này.
Lãnh đạo WMO cảnh báo, các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo rằng sự nóng lên hơn 1,5 °C có nguy cơ gây ra những tác động nghiêm trọng hơn đến biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, nhiệt độ toàn cầu liên tục tăng cao hơn so với cùng thời kỳ những năm trước đó. Mức nhiệt vượt giới hạn 1,5 °C có tần suất xuất hiện ngày càng nhiều.
Với mức độ nóng lên toàn cầu hiện nay, khí hậu đang gánh chịu có những tác động nặng nề như: các đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn, lượng mưa cực lớn, giảm lượng băng ở cả trên biển và sông băng; đẩy nhanh mực nước biển dâng và sự nóng lên của đại dương.
Mới đây WMO cũng đưa ra dự báo, sau El Nino sẽ xuất hiện La Nina trong thời gian từ khoảng tháng 7 – 9. Tuy nhiên, cường độ của La Nina mạnh hay yếu vẫn chưa thật sự chắc chắn. Bên cạnh đó, sự kết thúc của El Nino cũng không có nghĩa là những tác động của nó đã kết thúc. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu kéo dài hành tinh của chúng ta sẽ tiếp tục ấm lên do hiệu ứng nhà kính. Thời tiết sẽ tiếp tục khắc nghiệt hơn do nhiệt độ và độ ẩm tăng thêm trong bầu khí quyển.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhiet-do-binh-quan-co-the-tang-15c-trong-5-nam-toi-185240609150331365.htm