Tại Lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm 2022 diễn ra vào đêm 21/6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhắc lại lời của Bác Hồ kính yêu về nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, đó là: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng…”.
Sứ mệnh của báo chí
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, báo chí là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước, tiên phong đi đầu trên mọi mặt trận tư tưởng-văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Báo chí luôn đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Chủ tịch nước lưu ý, trong thời gian tới với nhiều nhiệm vụ to lớn đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam nhiệm vụ ngày càng nặng nề, vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Do vậy các cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác. Người làm báo phải luôn nhận thức sâu sắc “làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng”, “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Trên cơ sở kiên định với lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, giữ gìn những giá trị cốt lõi, lý tưởng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nêu cao trách nhiệm xã hội, không ngừng sáng tạo, thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, hữu ích, tin cậy cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chủ tịch nước mong muốn đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp thông tin hữu ích, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ xã hội, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí. Đồng hành cùng với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Thu hút sự tham gia tích cực của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện vai trò giám sát quyền lực và thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính…
Phải là lá cờ đầu
Theo Chủ tịch nước, báo chí phải là ngọn cờ đầu, kết nối và huy động các nguồn lực, bao gồm trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và cảm hứng năng động, sáng tạo, cống hiến của toàn dân; nuôi dưỡng, khơi gợi, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc; xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển. Báo chí cách mạng phải kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước. Trong bối cảnh thông tin ngày càng đa dạng, nhiều chiều, nhiều vấn đề mới, chưa được kiểm chứng, thông tin sai lệch, mưu đồ lợi dụng tự do dân chủ để đi ngược lại các giá trị, mục tiêu mà nền báo chí cách mạng đã và đang phấn đấu, báo chí cần chủ động, nhạy bén, phát hiện và dự báo các vấn đề, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh sắc bén với các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần củng cố, vun đắp niềm tin của nhân dân. Báo chí tiếp tục là vũ khí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, tệ nạn xã hội. Trong mọi thời điểm, báo chí phải xác định mình là một bộ phận cấu thành của văn hóa, là lực lượng đi đầu trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là một điển hình, đại diện về tính văn hóa, cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa với những con người văn hóa, giữ gìn phẩm giá, lòng tự hào và tự trọng nghề báo, vượt qua những cám dỗ và thách thức, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân lên từng trang viết, từng sản phẩm báo chí.
Tiếp tục phát hiện, biểu dương những nhân tố điển hình, điểm sáng tích cực, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, khẳng định phẩm giá, tâm hồn, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam, định hướng xã hội vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Thông qua cầu nối báo chí, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, mở ra cơ hội tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và bạn bè trên khắp thế giới.
Trước xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng thông tin khác và những biến đổi hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng, Chủ tịch nước mong rằng, mỗi người làm báo phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu, chủ động hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, hành nghề chuyên nghiệp, cung cấp thông tin chất lượng, tin cậy, thuyết phục trên nền tảng truyền thống và nhất là nền tảng công nghệ số, để đủ sức thu hút, giữ được niềm tin, sự tôn trọng của công chúng, chinh phục, chiếm lĩnh sự quan tâm của công chúng.
Chủ tịch nước tin tưởng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam hôm nay sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.