Nước trên sông rạch tại TP Bến Tre, Mỹ Tho đã nhiễm mặn từ 2,2 đến gần 5 phần nghìn, ảnh hưởng cuộc sống nhiều hộ dân.
Chiều 5/3, ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, cho biết hiện độ mặn trên các sông Bến Tre, Hàm Luông đạt mức gần 5 phần nghìn. Từ 2-7 ngày tới, độ mặn có xu hướng tăng dần. Tại trạm Mỹ Hóa (phường 7, TP Bến Tre) cách cửa sông 48 km độ mặn có thể ở mức cao nhất khoảng 10 phần nghìn, ảnh hưởng hơn 50.000 hộ dân tại địa bàn.
Do nguồn nước trên các sông rạch nhiễm mặn, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre lấy nguồn nước thô từ thượng nguồn sông Tiền, sau đó bơm về các nhà máy xử lý, cung cấp cho các hộ dân ở TP Bến Tre. Đơn vị cấp nước cũng lên phương án dùng sà lan chuyên chở, vận chuyển nước thô chưa bị nhiễm mặn từ các nơi khác về xử lý.
Tại Tiền Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng cho hay, độ mặn trên hệ thống sông Tiền tại TP Mỹ Tho đạt mức từ 2,2 đến 3,2 phần nghìn, cao hơn cùng kỳ năm trước, tác động hơn 51.000 hộ dân. Hiện nhà máy xử lý nước tại TP Mỹ Tho tạm ngưng hoạt động. Đơn vị cấp nước phải dùng nguồn nước sạch từ các nhà máy phía thượng nguồn sông Tiền cung cấp cho người dân.
Mùa khô năm nay, hạn mặn được dự báo khả năng xâm nhập sâu và kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Trước đó mặn xâm nhập hệ thống sông rạch tại Bến Tre ảnh hưởng cuộc sống hàng chục nghìn hộ dân. Tại Tiền Giang, cống trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Châu Thành) – quy mô lớn thứ hai ở miền Tây, sau cống Cái Lớn – Cái Bé, phải đóng sớm hơn một tuần để ngăn mặn, trữ ngọt.
Hoàng Nam