Nguồn vốn cho vay của chương trình hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 20- 25% nhu cầu vay vốn. Định mức đầu tư cho vay hỗ trợ tạo việc làm mới/lao động còn thấp (bình quân giai đoạn 2015-2021 là 43,3 triệu đồng/lao động) dẫn đến hiệu quả, tính ổn định trong hỗ trợ tạo việc làm chưa bền vững.
Hơn 20 năm đồng hành cùng địa phương hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách, dòng vốn tín dụng của Chi nhánh NHCSXH Hà Nam đã tiếp cận đến 100% xã phường thị trấn, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 2,80%; hộ cận nghèo còn 2,77%. Song con đường phát triển bền vững và tăng thu nhập của người dân vẫn còn nhiều trắc trở. Bởi vậy, việc cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Nam tăng cường ủy thác vốn qua NHCSXH cho vay giải quyết việc làm những năm gần đây đang mang đến luồng sinh khí, động lực và điểm tựa mới cho những người dân cần lao.
Mảnh vườn hơn một mẫu của ông Nguyễn Văn Nam (ở thôn 2 Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) giờ là nơi sinh trưởng xanh tốt của 60 cây mít, 80 cây bưởi, 120 cây ổi. Nhưng ít ai biết rằng chỉ 2 năm trước, đây là mảnh ruộng lúa năng suất thấp, nên một nửa đã được dùng để đào đất đóng gạch. Ông kể, con cái đã trưởng thành, song ông bà vẫn muốn có nguồn thu nhập ổn định để dưỡng già, nhưng trồng lúa thì không còn đủ sức. Lại thêm năng suất, thu nhập thấp nên ông bà tính cách chuyển đổi cây trồng. Việc tiếp cận được nguồn vốn giải quyết việc làm với 62 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lý Nhân đã giúp ông hiện thực hóa được việc tạo dựng một vườn cây đa canh. Dựng hàng rào bảo vệ, mua đất đổ thêm vào những khoảng đất lồi lõm, ông chọn 3 loại cây chính cho vườn là mít, bưởi, ổi.
Ông bảo “ổi thì để ăn xổi, còn mít bưởi là tính chuyện lâu dài”. Chỉ tính riêng đợt ổi thu hoạch trái vụ hồi tháng 3 ông đã thu được 30 triệu đồng, tháng 11 này, những cây bưởi của ông cũng sẽ cho vụ thu hoạch đầu tiên. Thấy hiệu quả, ông vay thêm 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH để mua phân gio và đầu tư chăn nuôi thêm gà vịt, trồng cau xuất khẩu. “Đến giờ tôi không phải đầu tư thêm, chỉ lo thu thôi. Kinh tế gia đình phát triển ổn định, thu nhập đều đặn”, ông chia sẻ. Hơn thế, mảnh vườn của ông còn tạo công ăn việc làm theo mua vụ cho khoảng 5 người.
Phó giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam Lê Thị Kim Dung cho biết, “không chỉ hướng dòng vốn hỗ trợ trực tiếp người dân tạo việc làm, nâng cao thu nhập, những năm gần đây dòng vốn tín dụng chính sách xã hội đặt thêm trọng tâm đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề của tỉnh, phát triển mô hình kinh tế tập thể, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa thông qua việc xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề về việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Nam bên vườn cây ăn trái hứa hẹn bội thu |
Như cơ sở làm nghề truyền thống HTX bún phở khô Khánh Linh, Giám đốc HTX, Nguyễn Thị Hoa cho biết, nghề làm bún phở là nghề truyền thống của gia đình mấy chục năm nay bắt đầu từ mẹ chồng chị. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ với phương pháp làm thủ công. Vì vậy sau khi được cho đi tập huấn hướng nghiệp, rồi được sự giúp đỡ của chính quyền và các sở ngành, vợ chồng chị quyết tâm đầu tư máy móc thiết bị mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mặt hàng. Đặc biệt để hướng tới hàng hóa tiêu chuẩn OCOP, mở rộng thêm sản xuất cuối năm 2021, chị Hoa đã vay thêm 50 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH để cải tạo xưởng, sản xuất miến, bún, phở khô. Hiện, gia đình chị đã có công xưởng 1000 m2 với công suất khoảng 3 tấn bún, phở miến khô/ngày và tạo công ăn việc làm cho 25 công nhân với lương bình quân 10 triệu đồng/tháng. Bà Tạ Thị Thu gắn bó 6 năm với HTX Khánh Linh cho biết, việc làm này cho bà thu nhập cao hơn so với trồng lúa, kinh tế gia đình thêm ổn định.
Đây chỉ là một vài nét chấm phá về hiệu quả dòng vốn giải quyết việc làm mà NHCSXH cho vay trong thời gian qua. Nhìn lại giai đoạn 2015- 2021, với nguồn vốn của địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng mạnh đạt 79.501 triệu đồng đưa tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt 224.148 triệu đồng. Đây là nền tảng để trong giai đoạn 2015 – 2021, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam đã giải ngân cho vay 429.669 triệu đồng với 9.929 lượt khách hàng vay vốn, mức cho vay bình quân đạt 43,3 triệu đồng/lao động, tổng số lao động được tạo việc làm qua chương trình cho vay là 9.963 người, trong đó lao động nữ: 4.712 người, lao động là người khuyết tật: 335 người, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp 560 người.
Hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm phát huy được tiềm năng sẵn có về tài nguyên đất đai, kinh nghiệm sản xuất ở địa phương. Nguồn vốn này đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống như mây giang đan Ngọc Động; Trống Đọi Tam; Dệt lụa Nha Xá; Bánh đa Chều; thêu ren xã Thanh Hà…, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người khuyết tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Tính đến 31/3/2023, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 150.323 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 5,38% tổng nguồn vốn, tăng 37.100 triệu đồng so với năm 2022. Đặc biệt nhiều huyện đã dành nguồn lực lớn uỷ thác qua NHCSXH như: Phủ Lý (7,5 tỷ đồng), Thanh Liêm (4,6 tỷ đồng), Kim Bảng (4 tỷ đồng). Nguồn vốn này cùng với nguồn vốn phân bổ từ NHCSXH cho tỉnh đã góp phần thực hiện Chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến 31/3/2023 đạt 482.941 triệu đồng với 8.748 lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm đầu tư vốn sản xuất kinh doanh, thu hút lao động có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập và làm giàu ngay chính trên quê hương mình.
Tuy nhiên, hiện nguồn vốn cho vay của chương trình hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 20- 25% nhu cầu vay vốn. Định mức đầu tư cho vay hỗ trợ tạo việc làm mới/lao động còn thấp (bình quân giai đoạn 2015-2021 là 43,3 triệu đồng/lao động) dẫn đến hiệu quả, tính ổn định trong hỗ trợ tạo việc làm chưa bền vững. Bên cạnh đó là bài toán đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành lập nên bắt buộc phải thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ phát triển công nghiệp, do đó một bộ phận người lao động thuộc diện bị thu hồi đất không đủ điều kiện vào làm việc tại các doanh nghiệp còn thiếu việc làm, rất cần được vay vốn để chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế.
Hợp tác xã Khánh Linh đang tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động |
Trước thực trạng này cùng với sự tham mưu của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam, tháng 7/2022 UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2022 – 2025. Mục tiêu của đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm tập trung chủ yếu vào người lao động, nhất là các lao động trong các hộ gia đình có thu hồi đất nông nghiệp và những lao động trở về địa phương sinh sống do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm cho người lao động; Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, thúc đẩy nhanh kết quả hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, góp phần giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Dự kiến nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH thực hiện Đề án trong 4 năm, giai đoạn 2022-2025 khoảng 550 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn mới bổ sung: 335 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 83,75 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung hàng năm theo Đề án này sẽ cùng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và nguồn vốn NHCSXH huy động để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 11.500 lao động trong giai đoạn 2022 – 2025 (bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2.875 lao động). Đề án sẽ góp phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 1,5% trong giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp theo; tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%; ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau khi kết thúc giai đoạn, nguồn vốn huy động từ Đề án này được Ủy ban nhân dân tỉnh cho hòa vào nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm.
Hiện Đề án đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Đây sẽ là một bước đột phá mới cho việc thực hiện chương trình giải quyết việc làm quốc gia, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cho tỉnh Hà Nam trong thời gian tới.