TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Nhật Bản vừa tiết lộ kế hoạch chế tạo tên lửa hành trình chống hạm tầm xa mới được trang bị các đầu đạn có thể hoán đổi cho nhau. Ðộng thái này được xem là bước tiến mới nhất trong nỗ lực phát triển năng lực tấn công phủ đầu trước mối đe dọa tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, giúp tăng cường khả năng phòng thủ của các đảo phía Nam Nhật Bản, bao gồm quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Ðiếu Ngư trên Biển Hoa Ðông.
Hệ thống tên lửa Patriot trên đảo Ishigaki, tỉnh Okinawa của Nhật Bản. Ảnh: KYODO
Theo tờ The Warzone, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã trao hợp đồng trị giá 257 triệu USD cho Công ty Công nghiệp nặng Kawasaki để phát triển “tên lửa chống hạm phòng thủ đảo” vận hành bằng động cơ phản lực cánh quạt KJ300 và có tầm bắn khoảng 2.000km. Ðáng chú ý, tên lửa này sẽ có một “đầu đạn mô-đun” có khả năng thực hiện các cuộc tấn công trên mặt đất, tác chiến điện tử và thậm chí là trinh sát. Nó cũng được trang bị nhiều hệ thống dẫn đường, gồm hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống điều hướng quán tính trong giai đoạn hành trình; đầu dò hồng ngoại hoặc tần số vô tuyến trong giai đoạn cuối hành trình, nhờ đó tăng xác suất tiêu diệt cũng như tăng khả năng phá vỡ các hệ thống phòng thủ của đối phương. The Warzone cho hay, tên lửa này sẽ có chiều dài từ 6-10m và bay ở tốc độ cận âm Mach 0,8 (tương đương 980km/h). Tên lửa nói trên được thiết kế có tính cơ động cao, có thể được sử dụng từ tàu chiến, máy bay hay bệ phóng trên đất liền, đồng thời có thể được sửa đổi để phóng từ tàu ngầm.
Giới phân tích cho rằng chính mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên cùng với những hạn chế của hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại đã thúc đẩy Nhật Bản đầu tư phát triển tên lửa có khả năng tấn công phủ đầu tầm xa trên biển. Theo tờ Asia Times, Trung Quốc sở hữu 1.900 tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất và 300 tên lửa hành trình tầm trung có khả năng nhắm vào các mục tiêu tại Nhật Bản, trong khi Triều Tiên cũng có hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể tấn công Nhật Bản. Mặt khác, Trung Quốc hiện cũng có thể triển khai vũ khí siêu thanh trên các tàu sân bay cũng như tên lửa siêu thanh YJ-21 trên các tàu khu trục Type 055. Ðược biết, YJ-21 có thể bay dọc theo tầng cao khí quyển để có tầm bắn lớn hơn, đồng thời cơ động trên hành trình bay khó đoán để đối phương khó đánh chặn.
Ngoài kế hoạch chế tạo tên lửa hành trình chống hạm mới nói trên, Nhật Bản đang cân nhắc sử dụng máy bay không người lái (UAV) để đánh chặn máy bay nước ngoài xâm phạm không phận nước này. Theo kế hoạch, Tokyo trong năm nay sẽ bắt đầu thử nghiệm loại UAV có khả năng đuổi theo tàu chiến để đánh giá hiệu suất và chức năng của chúng. Nếu thành công, nước này sẽ thử nghiệm loại UAV chống máy bay. Số UAV này có thể cung cấp thông tin tình báo, giám sát và trinh sát cần thiết đồng thời thu thập mục tiêu cho tên lửa chống hạm mới của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có 2 thiết kế vũ khí siêu thanh, gồm HVGP Block 1 có tầm bắn ước tính từ 500-900km sẽ được sản xuất trong năm nay, HVGP Block 2A và 2B có tầm bắn từ 2.000-3.000km dự kiến sẽ được lần lượt phát triển trong giai đoạn 2023-2027 và 2023-2030. Ðặc biệt, Nhật Bản còn lên kế hoạch phát triển tên lửa Type 12 SSM tầm xa phóng từ tàu ngầm trong giai đoạn 2023-2027 cùng với một lớp tàu ngầm mới được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng để bắn các tên lửa lớn hơn.
Mới đây, Nhật Bản còn xúc tiến mua tới 400 tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.