Ngày 24-8, Nhật Bản bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima ra Thái Bình Dương.
Theo Tân Hoa xã, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, thông báo Nhật Bản đã bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy này ra Thái Bình Dương từ 13 giờ ngày 24-8 (theo giờ địa phương). Công ty này có kế hoạch tiến hành đợt xả nước thải đầu tiên trong vòng 17 ngày để xả 7.800 tấn nước thải.
Các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ tại Nhà máy Fukushima Daiichi.Ảnh: Kyodo News |
Cùng ngày, theo Yonhap, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo kêu gọi Chính phủ Nhật Bản công bố thông tin về việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Fukushima Daiichi một cách minh bạch và có trách nhiệm trong 30 năm tới. Đề cập đến những quan ngại của công chúng về vấn đề an toàn, ông Han Duck-soo lưu ý, “lo lắng quá mức” là không cần thiết vì kế hoạch xả nước thải nếu được thực hiện phù hợp sẽ không gây ra tác động đáng kể.
Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh: “Mặc dù kịch bản lý tưởng là tránh hoàn toàn việc xả nước bị nhiễm phóng xạ, nhưng các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đều chia sẻ quan điểm rằng sự lo lắng quá mức của công chúng là không cần thiết”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này phản đối việc Tokyo xả nước thải từ Nhà máy Fukushima Daiichi ra biển và yêu cầu Chính phủ Nhật Bản chấm dứt việc làm này. Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng ra thông báo cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ Nhật Bản sau khi Tokyo xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển.
Trái với phản ứng của Trung Quốc, Mỹ lại ủng hộ quyết định của Nhật Bản. Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Kyodo News, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết sẽ đến thăm một thành phố ở tỉnh Fukushima vào cuối tháng 8 này và dự định ăn cá ở đây nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Tokyo. Ông Emanuel cho rằng quá trình xả nước thải của Nhật Bản “hoàn toàn minh bạch, có cơ sở khoa học và được quốc tế công nhận”.
Tháng 3-2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến Nhà máy Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng nặng nề. TEPCO phải xử lý hàng trăm bể chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng. Khi không còn đất xây bể chứa và cần giải phóng không gian, từ năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý xuống biển.
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố nước thải từ Nhà máy Fukushima Daiichi xả ra biển được xử lý thông qua hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến có khả năng loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ, ngoại trừ tritium-một đồng vị phóng xạ của hydro rất khó tách khỏi nước. Tritium được cho là ít gây rủi ro cho sức khỏe con người và môi trường vì phát ra tia bức xạ rất yếu, khó có thể xuyên qua da người. Nước thải sẽ được pha loãng cùng nước biển với tỷ lệ 1/40 theo nồng độ cho phép trong tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản trước khi được thải qua một đường hầm dưới nước. Trong cuộc họp đầu tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố: “Chính phủ Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm kế hoạch được thực hiện một cách an toàn, ngay cả khi việc xả thải cần hàng chục năm để hoàn tất”.
Trong thời gian qua, Nhật Bản đã nỗ lực thuyết phục người dân trong nước cũng như nước ngoài tin tưởng về kế hoạch của nước này thông qua việc tổ chức các chuyến tham quan nghiên cứu Nhà máy Fukushima Daiichi và các thí nghiệm phát trực tiếp cho thấy sinh vật biển thích nghi trong nguồn nước đã qua xử lý. Hồi tháng 7 vừa qua, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã công bố báo cáo cuối cùng cho rằng quá trình xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu. Theo IAEA, việc xả nước thải sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường. Tuy nhiên, ngư dân địa phương và các nước láng giềng vẫn còn lo ngại về tác động của việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển đối với môi trường.
LÂM ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.