Một nhóm các nhà khoa học người Nhật Bản đang nghiên cứu phát triển một loại thuốc giúp kích thích răng mọc trở lại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Westermeier Martin Dental Care) |
Nếu thành công, loại thuốc này sẽ được tung ra thị trường vào khoảng năm 2030 và khi đó sẽ là loại thuốc đầu tiên trên thế giới có công dụng như vậy.
Theo dự kiến của nhóm các nhà khoa học thuộc công ty khởi nghiệp Toregem Biopharma Co. do Đại học Kyoto thành lập, các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người lớn khỏe mạnh sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 7/2024, nhằm xác nhận mức độ an toàn của thuốc.
Trước đó, năm 2018, nhóm đã thành công trong giai đoạn thử nghiệm trên chuột và chồn sương. Các kết quả cho thấy loại thuốc này đã giúp kích thích việc mọc răng mới ở hai loài động vật gặm nhấm nói trên. Chồn sương là loài động vật có cả răng sữa và răng vĩnh viễn tương tự như con người.
Ngoài răng sữa và răng vĩnh viễn, hầu hết mọi người đều có “chồi răng” vốn có thể phát triển thành răng mới. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chồi răng không phát triển và sau đó biến mất. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại thuốc kháng thể có tác dụng ức chế protein ngăn chặn sự phát triển của răng. Ngoài ra, loại thuốc này giúp kích thích sự phát triển của chồi răng.
Ngoài ra, từ năm 2025, nhóm nghiên cứu có kế hoạch tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này đối với trẻ em từ 2 – 6 tuổi mắc chứng thiếu răng bẩm sinh do di truyền hoặc do các yếu tố khác. Được biết, những trẻ bị dị tật thiếu răng bẩm sinh sẽ lớn lên mà bị thiếu một số răng hoặc toàn bộ răng tự nhiên. Những trường hợp như vậy sẽ được tiêm một liều thuốc trong giai đoạn thử nghiệm nói trên để kích thích răng mọc trở lại.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học hy vọng có thể sử dụng loại thuốc này trong tương lai đối với những người trưởng thành bị mất răng do sâu răng.
Tiến sĩ Katsu Takahashi, đồng sáng lập công ty Toregem Biopharma, cho rằng tình trạng mất răng ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm. Ông Katsu hy vọng loại thuốc nói trên sẽ là chìa khóa để giải quyết những vấn đề như vậy.
Ông Takahashi cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai sản phẩm này sẽ được sử dụng như một biện pháp điều trị thứ ba trong khám chữa bệnh Y Nha khoa, bên cạnh răng giả và cấy ghép implant.
Loại thuốc mới dự kiến sẽ trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vào tháng 7 năm sau và được kỳ vọng sẽ có mặt trên thị trường trước năm 2030.