Bà Harris giành ưu thế tại một số bang chiến địa, Nga giải phóng khu định cư Lesovka thuộc tỉnh Donetsk, Mỹ viện trợ Syria 535 triệu USD, Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tăng cường kiểm soát ngừa đảo chính… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba sẽ là Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Nhật Bản sắp có Thủ tướng mới: Ngày 27/9, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã giành chiến thắng trong vòng 2 cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, đánh bại Bộ trưởng An ninh Kinh tế Sanae Takaichi và dự kiến sẽ là Thủ tướng tiếp theo của nước này.
Ông Ishiba đã giành được 215 phiếu, trong khi bà Takaichi có 194 phiếu. Dự kiến, ông Ishiba sẽ lựa chọn các vị trí điều hành mới của LDP vào ngày 30/9 tới và thành lập Nội các sau khi được bầu làm Thủ tướng tại phiên họp bất thường của Quốc hội Nhật Bản vào ngày 1/10.
Các ứng cử viên khác trong cuộc chạy đua giành chức Chủ tịch LDP gồm có cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi, cựu Bộ trưởng An ninh Kinh tế Takayuki Kobayashi, Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Ngoại giao Yoko Kamikawa, Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono và cựu Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato. (Kyodo)
*Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tăng cường kiểm soát ngừa đảo chính: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện một hệ thống chính trị lấy đảng làm trung tâm và củng cố quyền kiểm soát của nhà nước do lo ngại một cuộc đảo chính quân sự tiềm tàng có thể lật đổ chế độ.
Nhận xét trên được cựu cố vấn chính trị của Đại sứ quán Triều Tiên tại Cuba Ri Il Gyu đưa ra tại một diễn đàn do Viện Chiến lược An ninh quốc gia tổ chức. Ông nói: “Ông Kim Jong Un dường như nghĩ rằng trừ khi nhanh chóng xây dựng một hệ thống kiểm soát do đảng lãnh đạo đối với quân đội, ông sẽ không thể giành được quyền kiểm soát quân đội và nguy cơ sụp đổ chế độ, bao gồm cả đảo chính, có thể xảy ra. (Yonhap)
*Hàn Quốc-Mỹ đạt tiến bộ trong đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng: Hàn Quốc đã có các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng” với Mỹ trong tuần qua để thúc đẩy các cuộc đàm phán xác định phần chia sẻ chi phí của Seoul cho việc duy trì quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Theo một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hai nước đã kết thúc cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng kéo dài 3 ngày tại Seoul, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán rằng hai bên có thể sắp hoàn tất việc gia hạn thỏa thuận kéo dài nhiều năm về việc đồn trú 28.500 quân nhân Mỹ tại Hàn Quốc. Quan chức trên tiết lộ: “Hàn Quốc và Mỹ đã có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng nhằm thu hẹp bất đồng về các vấn đề chính mà cả hai bên cùng quan tâm”.
Kể từ khi các cuộc đàm phán được khởi động vào tháng 4, hai bên đã tiến hành 8 vòng đàm phán, làm nảy sinh khả năng có thể sớm đạt được một Thỏa thuận đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự (SMA) mới. (Yonhap)
*Hàn-Nhật thảo luận về hợp tác phát triển thềm lục địa: Ngày 27/9, Hàn Quốc đã có “các cuộc thảo luận rộng rãi” với Nhật Bản về thỏa thuận hợp tác phát triển một khu vực thềm lục địa, được cho là có trữ lượng lớn dầu mỏ và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Theo các quan chức Hàn Quốc, hai bên đã nối lại các cuộc thảo luận liên quan đến Thỏa thuận về Khu phát triển chung (JDZ) tại Tokyo lần đầu tiên sau 39 năm, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán rằng Nhật Bản có thể đang cân nhắc chấm dứt thỏa thuận năm 1978 trước khi hết hạn vào tháng 6/2028.
Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký thỏa thuận JDZ vào năm 1974 để theo đuổi việc khai thác chung thềm lục địa “Lô 7” ở Biển Hoa Đông, dựa trên các phân tích địa chất cho thấy khu vực này có thể có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt và các khoáng sản khác. Thỏa thuận có hiệu lực 4 năm sau đó. (Yonhap)
*Nga và Myanmar đạt tiến triển trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Ngày 26/9, bên lề Tuần lễ năng lượng Nga, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom Alexey Likhachev đã có cuộc gặp Bộ trưởng Điện lực Myanmar Nyan Tun, trong đó hai bên đánh giá tích cực về tiến độ của dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhỏ (SNPP) tại Myanmar.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Myanmar cho biết nước này và Rosatom đã hoàn thành nghiên cứu khả thi sơ bộ cho việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nhỏ tại quốc gia này, trong khi công việc thiết kế một lò phản ứng mô-đun nhỏ vẫn đang tiếp tục.
Vào tháng 2/2023, Nga và Myanmar đã ký thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích hòa bình, theo đó hai bên đã nhất trí khởi động một dự án chung xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nhỏ tại Myanmar. (TASS)
*Ngoại trưởng Ấn Độ, Nga thảo luận về những vấn đề cấp bách: Ngày 26/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Ấn Độ S Jaishankar về các vấn đề chính trong chương trình nghị sự hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế cấp bách bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết các vấn đề được thảo luận bao gồm việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh BRICS và “giải pháp cho Ukraine”. Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí tiếp tục điều phối các hoạt động tương tác giữa Nga và Ấn Độ trong các khuôn khổ đa phương quan trọng.
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ, ngoài những vấn đề trên, hai Ngoại trưởng còn thảo luận về tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương liên quan đến nỗ lực của phương Tây nhằm đưa các lực lượng của NATO vào khu vực này. Đây là cuộc gặp thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo trong vòng một tháng qua. Cuộc gặp trước đó diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hội đồng Hợp tác Ấn Độ – Vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia vào ngày 9/9. (Sputniknews)
Châu Âu
*Đức cam kết trở thành “trụ cột chính” của quốc phòng châu Âu: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 26/9 tuyên bố nước này sẵn sàng trở thành “trụ cột trung tâm” của quốc phòng châu Âu.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Berlin chuẩn bị triển khai một lữ đoàn binh sĩ tại Lithuania, nhằm mục đích ngăn chặn Nga tại sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), nơi căng thẳng đã gia tăng kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào đầu năm 2022.
Trước đó, Đức đã cam kết triển khai lâu dài 5.000 quân tại Lithuania vào cuối năm 2027, một quyết định mà Berlin coi là then chốt đối với chính sách quốc phòng của mình. Hàng trăm binh sĩ Đức hiện đã có mặt tại Lithuania và dự kiến số lượng này sẽ đạt khoảng 500 quân vào năm tới.(AFP)
*Mỹ kêu gọi tổ chức hội nghị các đồng minh của Ukraine tại Đức: Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/9 đã công bố một loạt biện pháp trợ giúp Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trong đó có việc triệu tập một cuộc họp cấp cao với sự tham dự của 50 đồng minh của Kiev tại Đức vào tháng tới để phối hợp viện trợ. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng thông báo khoản viện trợ quân sự gần 8 tỷ USD cho quốc gia Đông Âu này.
Trong một tuyên bố, ông Biden nói: “Tôi sẽ triệu tập một cuộc họp cấp lãnh đạo Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine tại Đức vào tháng tới để phối hợp các nỗ lực của hơn 50 quốc gia ủng hộ Ukraine trong việc phòng thủ chống cuộc chiến của Nga”. Thông báo của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang ở thăm Mỹ, nơi ông sẽ gặp Tổng thống và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Mỹ tung gói viện trợ khủng cùng vũ khí ‘nóng’, Tổng thống Biden ‘hiệu triệu’ đồng minh, quyền đổi lãnh thổ lấy hòa bình là của Kiev |
*Nga tuyên bố giải phóng khu định cư Lesovka thuộc tỉnh Donetsk: Bộ Quốc phòng Nga công bố trên kênh Telegram việc giải phóng khu định cư Lesovka (Lisivka) thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR). Bộ này cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov đã gửi điện mừng tới chỉ huy và binh sĩ Lữ đoàn súng trường độc lập số 114. Bộ trưởng chúc mừng các quân nhân “đã giải phóng các khu định cư Ukrainsk và Lesovka của Cộng hòa Nhân dân Donetsk khỏi kẻ thù”.
Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt kể từ ngày 24/2/2022. Tổng thống Vladimir Putin cho biết chiến dịch này nhằm mục đích “bảo vệ những người dân đã chịu nạn diệt chủng của chế độ Kiev trong 8 năm qua”. Theo Tổng thống Putin, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là giải phóng hoàn toàn vùng Donbass và tạo ra các điều kiện đảm bảo an ninh cho Nga. (Sputniknews)
*Anh và Australia đàm phán hiệp ước mới về quốc phòng: Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey ngày 26/9 cho biết Vương quốc Anh và Australia sẽ sớm bắt đầu đàm phán về một hiệp ước song phương mới để ràng buộc sự hợp tác theo Thỏa thuận quốc phòng ba bên (AUKUS) thành luật.
Thông tin trên được Bộ trưởng Healey đưa ra tại cuộc họp báo ba bên tại London sau cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng AUKUS. Ông nói: “Tôi có thể thông báo rằng Phó Thủ tướng Australia Marles và tôi đã nhất trí rằng các cuộc đàm phán sẽ sớm được tiến hành để đưa ra một hiệp ước song phương mới ràng buộc sự hợp tác quốc phòng ba bên (Mỹ, Anh, Australia) thành luật”. (Sputniknews)
Trung Đông-châu Phi
*CH Congo ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu với Nga: Bộ trưởng Bộ Dầu khí Cộng hòa (CH) Congo, ông Bruno Jean Richard Itoua, ngày 26/9 cho biết CH Congo dự kiến ký thỏa thuận về việc xây dựng đường ống dẫn dầu với Nga tại quốc gia châu Phi này vào ngày 28/9.
Phát biểu bên lề Tuần lễ Năng lượng Nga, ông Bruno Jean Richard Itoua nói: “Chúng tôi sẽ ký thỏa thuận đường ống trong 2 ngày nữa”.
Đầu tháng 9, Chính phủ Nga đã phê duyệt dự thảo thỏa thuận về việc xây dựng đường ống dẫn dầu tại CH Congo. (AP)
*Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Yemen: Ngày 26/9, quân đội Israel thông báo đã đánh chặn một tên lửa phóng từ Yemen, trong bối cảnh các cuộc không kích liên tục nhằm vào Hezbollah ở Lebanon làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh tổng lực tại Trung Đông.
Trước đó cùng ngày, trong một bài phát biểu truyền hình, thủ lĩnh phiến quân Houthi ở Yemen, Abdul Malik al-Huthi, tuyên bố nhóm được Iran hậu thuẫn này “sẽ không ngần ngại ủng hộ Lebanon và Hezbollah” khi giao tranh qua biên giới giữa Hezbollah và Israel leo thang.
Kể từ tháng 11 năm ngoái, lực lượng Houthi đã tấn công các tàu thuyền trên Biển Đỏ bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa, tuyên bố đây là hành động ủng hộ người Palestine trong cuộc chiến ở Gaza, bùng phát sau vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10. (AFP)
*Mỹ công bố khoản viện trợ trị giá 535 triệu USD cho Syria: Ngày 26/9, Mỹ đã công bố khoản viện trợ mới trị giá 535 triệu USD cho người dân Syria, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo ngay cả sau khi cuộc chiến tàn khốc ở nước này đã kết thúc.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya, phụ trách an ninh dân sự, đã công bố khoản tài trợ mới nói trên bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã dập tắt một cuộc nổi dậy nổ ra năm 2011, sự việc khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng, 7 triệu người khác phải di dời nơi ở và dẫn tới sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mỹ đã tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận Tổng thống Assad, người đã không chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo trong cuộc xung đột ở Syria. (AFP)
*Israel tiếp tục không kích Hezbollah: Quân đội Israel cho biết họ đã tiến hành các cuộc không kích mới vào các cơ sở của Hezbollah ở miền Nam Lebanon tối 26/9, sau khi các quan chức cấp cao của Israel thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn trong 21 ngày được Mỹ ủng hộ.
Trong một tuyên bố, quân đội Israel nêu rõ: “IDF hiện đang tấn công các cơ sở khủng bố của Hezbollah ở miền Nam Lebanon”. (AFP)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
*Brazil – Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 27/9 cho biết năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Brazil, đồng thời nhấn mạnh rằng hai nước đã là “đối tác chiến lược trưởng thành”.
Trong cuộc gặp ông Celso Amorim, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Brazil, bên lề Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho Brazil trong việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh G20. Ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc và Brazil, cùng với các quốc gia Nam bán cầu có cùng chí hướng khác, sẽ sớm thành lập nền tảng “Những người bạn ủng hộ hòa bình” về cuộc khủng hoảng Ukraine nhằm theo đuổi hòa bình.
Về phần mình, ông Amorim khẳng định Brazil sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để lập kế hoạch cho các cuộc trao đổi cấp cao và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực. (THX)
*Cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đề nghị Ukraine nhượng bộ Nga: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/9 (giờ địa phương) cho rằng Ukraine nên “nhượng bộ một chút” để xoa dịu Moscow và tránh một cuộc xung đột đẫm máu với quốc gia láng giềng, điều mà ông cho là “không cần thiết phải xảy ra”.
Phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở bang North Carolina, ông Trump đe dọa sẽ cắt viện trợ của Mỹ cho Kiev và tuyên bố sẽ không gửi quân đội Mỹ đến “chết” ở Ukraine. Một quan chức chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống cho biết Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đang ở thăm Mỹ khó có thể gặp ông Trump trong những ngày tới.
Ông Trump thường xuyên tuyên bố Nga sẽ không tấn công Ukraine nếu ông là Tổng thống và nhấn mạnh sẽ đàm phán để chấm dứt xung đột nếu ông trở lại Nhà Trắng. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ai là lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế xứ cờ hoa? |
*Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris giành ưu thế tại một số bang chiến địa: Trong bối cảnh chỉ còn 40 ngày là tới bầu cử Mỹ (5/11), Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ đang giữ lợi thế trước đối thủ bên đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump tại bang chiến trường Michigan và cuộc đua vẫn rất căng thẳng ở Pennsylvania – một bang dao động quan trọng khác.
Một cuộc thăm dò mới của UMass Lowell và YouGov tại Michigan cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump với khoảng cách 5 điểm phần trăm (48%-43%), mặc dù cựu Tổng thống có lợi thế hơn trong số những cử tri độc lập với tỷ lệ ủng hộ 36% – 29%. Tại Pennsylvania, bà Harris giành được 48% phiếu bầu, còn ông Trump bám sát với tỷ lệ 46%, trong khi 4% cho biết vẫn chưa quyết định. Hầu hết cử tri Michigan và Pennsylvania cho biết họ sẽ không thay đổi quyết định về việc sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 11 tới. (Reuters)
*Mỹ trừng phạt sàn giao dịch tiền ảo và nhà tài phiệt Nga: Ngày 26/9, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào sàn giao dịch tiền ảo PM2BTC của Nga và nhà tài phiệt Sergei Ivanov với cáo buộc rửa tiền.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đây là một phần trong nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm ngăn chặn các tổ chức tội phạm trên mạng của Nga. Bộ Tài chính Mỹ đã xác định PM2BTC, sàn giao dịch tiền ảo Nga có liên quan đến Sergey Sergeevich Ivanov, là “mối lo ngại chính về rửa tiền” trong hoạt động tài chính bất hợp pháp của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với sàn giao dịch Cryptex, được đăng ký tại St. Vincent và Grenadines nhưng hoạt động tại Nga. Theo thông cáo, trong khoảng 20 năm qua, Ivanov đã rửa hàng trăm triệu USD tiền mã hóa cho các đối tượng tống tiền, con buôn trên thị trường chợ đen và các tội phạm khác. (Sputniknews)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-279-nhat-ban-sap-co-thu-tuong-moi-israel-tiep-tuc-khong-kich-hezbollah-ong-trump-de-nghi-ukraine-nhuong-bo-nga-287931.html