Cụ thể, trợ cấp một phần ba số tiền cải tạo được áp dụng nếu các ngôi nhà được tái sử dụng thay vì tháo dỡ. Trong khi đó, việc phá dỡ nhà bỏ hoang sẽ được trợ cấp 40% chi phí. Mặt khác, chính quyền Tokyo cũng sẽ chi trả tới 50% chi phí nghiên cứu cho chính quyền địa phương và chủ sở hữu bất động sản đang tìm cách sử dụng những ngôi nhà bỏ trống.

Nikkei Asia dẫn thống kê từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ước tính cả nước có 8,49 triệu ngôi nhà bỏ trống, trong đó 3,49 triệu ngôi nhà được coi là bỏ hoang. Nếu không được quản lý hiệu quả, số lượng nhà bỏ hoang tại Nhật Bản dự kiến tăng khoảng 30% lên 4,7 triệu căn vào cuối thập kỷ này. Những ngôi nhà bỏ hoang có tác động tiêu cực đến vấn đề vệ sinh, an ninh, an toàn và cảnh quan xung quanh.

Hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang nằm rải rác khắp Nhật Bản. Ảnh: Atlas Obscura 

Vấn đề nhà bỏ hoang của Nhật Bản trở nên cấp bách hơn khi tỷ lệ sinh giảm, dẫn đến tình trạng già hóa và thu hẹp dân số. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản chủ động đưa ra cải cách thuế từ năm tài khóa 2023 với việc gia hạn thời gian giảm thuế đặc biệt để ngăn chặn những ngôi nhà bị bỏ trống sau khi chủ sở hữu qua đời. Theo chính sách này, mỗi người thừa kế nhà từ cha mẹ mất có thể được khấu trừ tới 30 triệu yen (khoảng 214.000USD) tiền thuế.

Ban đầu biện pháp đó dự kiến chỉ được áp dụng đến cuối năm nay, nhưng rồi lại tiếp tục được gia hạn thêm 4 năm nữa, qua đó góp phần thúc đẩy việc sử dụng các ngôi nhà bỏ trống ở địa phương. Gần đây, những căn nhà bỏ trống đang trở thành một lựa chọn hợp lý, đặc biệt đối với người nước ngoài tới sống ở Nhật Bản, nhằm mục đích tái sử dụng cũng như cải tạo lại nhà cũ theo sở thích và ngân sách của mình.

PHẠM HUY