(LĐXH) – Nhiều công ty Nhật Bản đang gặp khó khăn vì tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng.
Thập niên qua, Masato Shiota đã hồi sinh doanh nghiệp làm giấy của mình từ bờ vực phá sản, trả hết nợ và mua máy móc để tự động hóa một phần sản xuất. Tuy nhiên, ông vẫn đang vật lộn để tìm đủ lao động duy trì năng suất ở mức tối đa.
“Chúng tôi có 3 máy nhưng chỉ có thể vận hành 2 máy mỗi ngày”, Shiota, chủ tịch của Wako Seishi, công ty sản xuất giấy lau, khăn lau khử trùng và giấy vệ sinh ở Ino, một thị trấn trên hòn đảo nhỏ nhất trong bốn đảo chính của Nhật Bản, nổi tiếng với ngành công nghiệp giấy chia sẻ.
“Nếu không có nhân lực, chúng tôi không thể sản xuất, không có lợi nhuận và sẽ phải đóng cửa. Đây là vấn đề lớn nhất đối với các công ty vừa và nhỏ”, ông thừa nhận.
Những trải nghiệm của ông Shiota và một số chủ doanh nghiệp tại Ino cho thấy, tình trạng thiếu hụt lao động đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với các công ty nhỏ, những đơn vị tạo ra 7/10 việc làm tại Nhật Bản.
Theo một nghiên cứu năm 2023 của Recruit Works Institute, đất nước này sẽ thiếu hụt 3,4 triệu lao động vào cuối thập kỷ này và 11 triệu lao động vào năm 2040.
Nửa đầu năm nay, số lượng công ty phá sản do thiếu hụt lao động đạt mức kỷ lục là 182, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty nghiên cứu Teikoku Databank. Tổng số vụ phá sản dự kiến vượt qua 10.000 trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2013, theo dữ liệu từ Tokyo Shoko Research.
Theo nhà nghiên cứu Takayasu Otomo từ Teikoku Databank, dù phá sản do thiếu lao động chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nhưng sự gia tăng này có thể lan tỏa đến các nhà cung cấp và khách hàng của những công ty này, dẫn đến chuỗi phá sản hoặc sáp nhập.
Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đã vượt qua giai đoạn đình trệ kéo dài nhưng theo các lãnh đạo doanh nghiệp tại Ino, chuyên gia ngành và quan chức, nỗ lực của Thủ tướng Shigeru Ishiba nhằm hồi sinh các khu vực nông thôn đang đối mặt với tình trạng dân số già và giảm sút.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khiến dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản tụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp tại quốc gia này.
Nhật Bản vẫn chưa ủng hộ việc nhập cư quy mô lớn dù một số công ty đã lấp đầy khoảng trống lao động bằng cách thuê lao động ngắn hạn từ nước ngoài. Tuy nhiên, đồng yên tụt giá khiến việc thu hút lao động nước ngoài khó khăn hơn.
Ngay cả khi Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế về thị thực lao động, đồng tiền trượt giá đồng nghĩa người lao động nhập cư sẽ kiếm được ít hơn. Điều đó khiến Nhật Bản trở thành điểm đến ít hấp dẫn hơn so với quốc gia khác.
Thị trấn Ino nằm cạnh sông Niyodo, nổi tiếng với các sản phẩm truyền thống như giấy “Tosa washi”, được làm thủ công suốt 1.000 năm và sử dụng trong thư pháp hoặc cửa trượt “shoji”. Đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, các nhà sản xuất giấy đã chuyển hướng sang những thị trường ngách để tồn tại.
Công ty Toyo Tokushi, thuộc sở hữu gia đình Moriki, đã mở rộng sang lĩnh vực tã giấy cho người lớn từ năm 1970, mặt hàng hiện chiếm 70% doanh thu. Tuy nhiên, theo Kei Moriki, giám đốc 32 tuổi của công ty, tình trạng thiếu nhân sự buộc công ty lần đầu tiên xem xét tuyển dụng học sinh tốt nghiệp cấp 3.
Các chủ doanh nghiệp tại Ino cho rằng không dễ để tăng giá sản phẩm nhằm cải thiện mức lương cho người lao động, vốn đang thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Hamada Hiromasa, giám đốc điều hành Kashiki Seishi nói rằng, công ty 6 nhân viên của ông hiện phải dựa vào các tình nguyện viên trong chương trình làm việc đổi lấy chỗ ở và thức ăn.
“Tôi không nghĩ việc dựa vào tình nguyện viên là cách bền vững cho doanh nghiệp”, Hamada, nghệ nhân giấy đời thứ 7 chia sẻ. Nhưng ông có rất ít lựa chọn vì ngày càng ít người có thể làm việc cho ông.
“10 năm tới, có thể sẽ không còn ai ở vùng núi nữa”, ông lo ngại.
Đức Hoàng (theo Reuters)
Báo Lao động và Xã hội số 157
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nhat-ban-nhieu-cong-ty-doi-mat-voi-ganh-nang-thieu-lao-dong-20241230221959479.htm