Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, trong tháng 1/2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản đạt 59,9 nghìn tấn, trị giá 25,6 tỷ Yên (tương đương 173,9 triệu USD), giảm 6% về lượng và giảm 2,1% về trị giá so với tháng 01/2023.
Nhật Bản giảm nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam |
Nhật Bản nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Việt Nam trong tháng 1/2024, lượng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 80,3% tổng lượng nhập khẩu.
Trong đó, Nhật Bản tăng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Tháng 1/2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản từ các thị trường khác đều giảm như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines …
Nhu cầu trong nước tại Nhật Bản suy yếu tại tất cả các lĩnh vực, bao gồm tiêu dùng tư nhân. Trong đó, tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực chiếm khoảng một nửa nền kinh tế Nhật Bản, ghi nhận mức giảm hàng năm 0,9% trong quý 4/2023 do người tiêu dùng tăng tiết kiệm trong bối cảnh giá thực phẩm, xăng dầu và nhiều mặt hàng khác tăng. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu như đồ nội thất bằng gỗ có xu hướng giảm.
Trong tháng 1/2024, Nhật Bản giảm nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất nhà bếp, nhưng tăng nhập khẩu ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đồ nội thất văn phòng.
Nhật Bản, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,65 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này, giảm 12,5% so với năm 2022, chiếm 12,6% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ.
Nhóm mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản là gỗ và sản phẩm nguyên liệu gỗ (HS 44), kim ngạch xuất khẩu của nhóm này trong năm 2023 đạt 1,27 tỷ USD, chiếm tới 76,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm Việt Nam sang Nhật Bản. Trong khi nhóm đồ gỗ (HS 9401 (ghế ngồi) và HS 9403 (đồ nội thất)) chỉ chiếm 23,1% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, đồ nội thất văn phòng của Nhật Bản từ Việt Nam vẫn còn thấp, do đó vẫn còn dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Nhật Bản yêu cầu các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng hàng hóa, nên các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn xuất xứ, sản xuất bền vững khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.