Thấy hội phụ huynh lớp nhắc đóng quỹ mà không giải thích khoản chi 66 triệu đồng năm ngoái, chị Nhung “ba máu sáu cơn” đứng dậy đối chất trong cuộc họp.
“Đây là năm thứ hai thu chi kiểu này rồi”, chị Nhung, 31 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội, nói sau buổi họp phụ huynh cách đây một tuần.
Năm ngoái, con trai chị vào lớp 1 trường công. Người mẹ không ý kiến gì với các khoản thu của trường, nhưng phải đóng quỹ phụ huynh bốn lần, tổng 1,3 triệu đồng.
“Lớp 51 học sinh, một năm đóng hơn 66 triệu đồng tiền quỹ. Khi tôi yêu cầu có bảng kê thì họ nói không, vì nhiều khoản nhạy cảm”, chị Nhung kể. Chị cho rằng hội này chỉ biết hô thu tiền mà không có kế hoạch rõ ràng, sẵn sàng cho con chuyển lớp nếu bị gây khó dễ.
Tại TP HCM, chị Ngọc Thy, phụ huynh lớp 1/2 trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, cũng sửng sốt vì quỹ lớp đã chi hơn 260 triệu đồng mà mình không biết. Lớp này có 32 học sinh, các phụ huynh từng thống nhất nộp 10 triệu đồng để trang trí, tu sửa phòng học, chăm lo cho con em trong 5 năm.
“Mới hơn một tháng đã chi gần hết vậy cả năm học sẽ ra sao”, chị Thy băn khoăn.
Tuần trước, trường THCS Tứ Hiệp, Hà Nội, phải trả lại phụ huynh hơn 160 triệu đồng quỹ cha mẹ học sinh trường vì “chưa phù hợp”. Cũng ở thủ đô, trường THPT Chu Văn An, yêu cầu lớp 12 Văn trả lại phụ huynh 4,5 triệu đồng tiền quỹ. Ban đại diện lớp 1/2, trường Tiểu học Hồng Hà, TP HCM, phải trả lại 247,5 trong hơn 260 triệu đồng đã tiêu.
Đến hẹn lại lên, cứ đầu năm học mới, dư luận lại dậy sóng vì quỹ phụ huynh. Người cho rằng thu quá nhiều, người thì ấm ức vì “tự nguyện” nhưng không khác gì ép buộc, hay thu chi không minh bạch. Các nhà quản lý nhìn nhận những bức xúc dai dẳng này do cả phía trường lẫn phụ huynh đều hành xử thiếu nguyên tắc.
Yêu cầu công khai thu, chi thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương lưu ý vào mỗi đầu mỗi năm học. Bộ cũng có thông tư 55 năm 2011 về điều lệ hoạt động của ban phụ huynh, thông tư 16 năm 2018 về tài trợ cho các trường.
Hành lang pháp lý để thu, chi minh bạch không thiếu, nhưng “chuyện này, chuyện kia” liên quan tới quỹ phụ huynh vẫn diễn ra, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.
Ông cho rằng nguyên nhân chính là hiệu trưởng chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Họ dù không trực tiếp nắm giữ quỹ phụ huynh nhưng vẫn phải quản lý, giám sát để các khoản này được thu chi đúng nguyên tắc.
“Ai mà nói không biết là trốn trách nhiệm. Các khoản khác cũng thế, làm gì có giáo viên nào dám thu mà không có sự đồng ý của hiệu trưởng”, ông Lâm nói.
Lý do thứ hai là ban phụ huynh chưa thực sự đại diện cho quyền lợi của đa số, vẫn cả nể trường, giáo viên chủ nhiệm, “chạy đua” trong việc đóng góp.
Trước khi phải trả lại tiền quỹ đã thu, kế hoạch thu chi ban phụ huynh trường THCS Tứ Hiệp có 25 mục, gồm thưởng cho các lớp có kế hoạch nhỏ vượt chỉ tiêu, đạt giải lớp học hạnh phúc; bồi dưỡng học sinh luyện tập khai giảng, tham dự các cuộc thi; tiền thuê trang phục văn nghệ… Nhiều phụ huynh phản ứng vì cho rằng các khoản này không phải trách nhiệm của quỹ.
Từng nằm trong ban phụ huynh lớp của con gái học THCS, chị Lan Anh, 43 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội, thừa nhận áp lực trong việc “hỗ trợ trường mua sắm cơ sở vật chất”, cạnh tranh giữa các lớp là có. Chị kể có năm trường nói thiếu một vài máy chiếu, điều hòa, ban phụ huynh “biết ý” liền về lớp huy động.
“Dù không bị ấn định mức cụ thể, thực tế các lớp đều nhìn nhau làm sao để gần mức trung bình và cũng không để cho lớp mình thấp hơn quá nhiều”, chị Lan Anh nói. Vì “chẳng được lợi lộc gì”, nhưng luôn bị phụ huynh chất vấn, nghi ngờ, nên sau hai năm, chị xin ra khỏi ban.
Trả lời VnExpress cuối tháng 9, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết việc phụ huynh tự nguyện đóng góp, tài trợ để sửa chữa phòng học, sắm sửa cơ sở vật chất là không sai.
“Thông tư 55 yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh không được bắt buộc phụ huynh quyên góp để sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị. Nhưng nếu phụ huynh tự nguyện và đồng thuận đóng góp, tài trợ thì thực hiện theo Thông tư 16”, ông Minh giải thích, cho rằng nhờ chính sách này, các trường học được cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất trong khi kinh phí nhà nước còn hạn chế.
Một trưởng phòng giáo dục ở phía Bắc nhìn nhận quỹ phụ huynh và đóng góp tài trợ cho trường là hai việc khác nhau. Trong đó, việc kêu gọi, quản lý tiền tài trợ phải do trường học chủ trì. Trường cần hỗ trợ gì thì làm kế hoạch, đưa cấp trên duyệt rồi thông báo rộng rãi trên tinh thần tự nguyện, từ nhiều nguồn. Phụ huynh nào muốn ủng hộ thì chuyển vào tài khoản của trường. Khoản này được quản lý, có đầy đủ chứng từ và được công khai.
“Nếu làm thế thì không có gì nhập nhèm cả, nhưng nhiều trường và phụ huynh không tách bạch, rồi có tư duy cào bằng, chia đều cho nhanh. Vì sai nguyên tắc nên gây ra bức xúc”, ông nói.
Các nhà giáo cho rằng tình trạng lạm thu, nhập nhèm các loại quỹ sẽ khiến phụ huynh và cả xã hội mất niềm tin vào ngành giáo dục.
Theo ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, xã hội hóa không chỉ là thu tiền, nên nếu nhân danh xã hội hóa để kêu gọi phụ huynh đóng tiền, hoạt động này sẽ mất đi ý nghĩa.
Chị Thanh Loan, 42 tuổi, sống tại TP Thủ Đức, TP HCM, thừa nhận “luôn cảm thấy hoài nghi” về kế hoạch chi tiêu của ban phụ huynh sau khi phát hiện giá mua TV cho lớp cao hơn gần 2 triệu đồng so với thị trường.
“Dù đã được giải thích tổng chi gồm cả phần bồi dưỡng cho thợ và dọn dẹp lớp học sau khi lắp, tôi vẫn lấn cấn”, chị kể.
Ông Tùng Lâm nhìn nhận rất khó để chấm dứt những bức xúc về quỹ phụ huynh nếu cách quản lý, giám sát không thay đổi. Ông đề xuất tăng mức phạt với những trường học để xảy ra lạm thu, thu sai quy định, không thể chỉ phê bình và rút kinh nghiệm mãi. Cùng đó, chính quyền địa phương chia sẻ với trường học trong việc kêu gọi, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ. Việc này giúp tăng giám sát chéo, giảm áp lực cho trường học, giáo viên trong các hoạt động ngoài chuyên môn.
Đồng tình với quan điểm này, vị trưởng phòng giáo dục nói trên đề xuất các quy định cần chặt chẽ hơn.
“Nhiều trường vẫn nghĩ quỹ phụ huynh chi tiêu thế nào là việc riêng của họ nên không can thiệp. Nên có cơ sở pháp lý để cơ quan cấp tỉnh, huyện đưa ra định mức đóng góp nhất định, tránh tình trạng thu chi bát nháo”, ông nói.
Chánh văn phòng Hồ Tấn Minh cho biết TP HCM đã đề nghị các trường mở rộng diện vận động tài trợ, không tập trung vào phụ huynh và không dồn vào đầu năm học. Bởi thời điểm này, phụ huynh phải lo mua sách, vở, dụng cụ học tập, đồng phục, bảo hiểm y tế cho con. Các khoản vận động tài trợ dễ trở thành gánh nặng cho họ.
Còn ông Dong cho rằng nhà nước cần tăng đầu tư cho giáo dục. “Đã mở trường thì phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, không thể chỉ xây lớp rồi để trường phải tự lắp quạt, điều hòa, khoản nào cũng phải huy động”, ông nói.
Chị Nhung không biết tới khi nào thì sự bất hợp lý trong thu, chi của ban phụ huynh sẽ kết thúc, chỉ biết vừa đóng 600.000 đồng tạm thu năm học này.
Sau ý kiến của chị, trưởng ban phụ huynh hứa sẽ lập báo cáo thu, chi đầy đủ. Đây là “phép thắng lợi tinh thần” duy nhất, để chị mong không phải bất bình vào mỗi dịp đầu năm học mới.
Thanh Hằng