Ngày 26/5, Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt báo chí chia sẻ các thông tin liên quan đến tình hình cung ứng điện.
Trả lời câu hỏi của PV.VietNamNet về việc nhập khẩu điện, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày. Sản lượng điện miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày trong khi tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp.
“Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau”, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý.
Thông tin về sản lượng điện tái tạo trong hệ thống, ông Đặng Hoàng An đánh giá: Sản lượng điện tái tạo hiện nay mỗi ngày 100 triệu kWh, chiếm 1/9 sản lượng toàn hệ thống. Đó là sản lượng tương đối lớn.
“Nếu có thêm các nguồn điện tái tạo chuyển tiếp vào thì chúng ta cũng hấp thụ được. Thời gian tới, nếu tỷ trọng điện tái tạo còn tăng nữa thì ngành điện phải có nhiều giải pháp kỹ thuật khác như thủy điện tích năng, pin lưu trữ… để phục vụ cho nguồn điện này”, ông An chia sẻ.
Cập nhật thông tin về việc đàm phán giá các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp, ông Đặng Hoàng An cho hay, cách đây 2 hôm đã gặp các nhà đầu tư và “nghe hết một buổi chiều” các vướng mắc của nhà đầu tư.
Đến nay, sau nhiều đôn đốc, 52 dự án với trên 3.000 MW chuyển hồ sơ đến EVN để xem xét đàm phán, vẫn còn 33 dự án chưa nộp hồ sơ. Trong nhóm này, không phải dự án nào cũng đã hoàn thiện đầu tư xây dựng.
Hiện có 39 dự án với công suất 2.363MW đề xuất với EVN ký kết thỏa thuận giá tạm bằng 50% khung giá trần theo quy định. Đến nay, có 16 dự án đã hòa lưới để thí nghiệm các thông số. Còn 5 dự án hiện thỏa mãn các hồ sơ và đủ điều kiện phát điện lên lưới sau khi chốt thử nghiệm. Tổng công suất 5 dự án là 391MW. Như vậy, một vài ngày tới, 391MW này có thể vận hành thương mại được.
“Đó là con số vẫn còn khiêm tốn. Nếu chủ đầu tư không nỗ lực thì rất khó vận hành thương mại được do dự án điện có nhiều quy định phải tuân thủ. Trách nhiệm chủ yếu của chủ đầu tư, còn trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ cũng đã chỉ đạo khi có yêu cầu kiểm tra nghiệm thu, cấp giấy phép hoạt động điện lực thì phải kiểm tra và xử lý ngay”, lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.
Còn lại các dự án khác hiện nay vẫn đang phải hoàn thiện nhiều thủ tục. Ví dụ kiểm tra nghiệm thu, giấy phép hoạt động điện lực, một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư ở UBND cấp tỉnh.
Đại diện Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của Bộ để sớm phát điện lên lưới.
Cung ứng điện: Miền Bắc vẫn căng, miền Trung và miền Nam dễ thở
Chia sẻ về tình hình cung ứng điện thời gian qua, ông Đặng Hoàng An cho rằng chúng ta đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nhiệt độ lên cao, nhu cầu điện trong ngày nắng nóng tăng cao. Thông thường vào cuối mùa khô, mực nước các hồ thủy điện xuống thấp, công suất các nhà máy thủy điện giảm đi vì liên quan cột nước.
Trước tình hình đó, ngày 8/5, Thường trực Chính phủ đã họp và chỉ đạo bằng mọi cách đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt. Sau nhiều giải pháp được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Thứ trưởng An cho rằng tình hình đã được cải thiện.
Giải pháp đầu tiên và quan trọng là phải đảm bảo độ tin cậy vận hành của các nhà máy điện. Trong mùa khô này, việc đảm bảo các nhà máy nhiệt điện bao gồm nhà máy tuabin khí vận hành ổn định là ưu tiên số 1.
Giải pháp thứ hai cũng rất quan trọng là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các tổng công ty phát điện, các tập đoàn có nhà máy điện, doanh nghiệp có nhà máy điện bằng mọi cách lo đủ nhiên liệu cho phát điện. Đầu tiên là vấn đề cung cấp than. Thứ hai là dầu, bao gồm dầu FO và dầu diesel. Khi khí suy giảm thì phải phun dầu DO vào để đốt. Đây là nguồn điện tương đối đắt tiền. Vừa qua, tình hình cung ứng dầu cũng có trục trặc nhưng đến nay cũng đã tích trữ, bổ sung dầu đủ cho nhu cầu.
“Chúng ta có nhà máy mà thiếu nhiên liệu thì không được. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch Thủ tướng chỉ đạo rất kỹ”, ông An chia sẻ.
Đến nay, EVN đã phải huy động 900 triệu kWh điện chạy dầu, trong bối cảnh tài chính EVN gặp khó khăn thì đó cũng là nỗ lực rất lớn.
Ông An cũng nhấn mạnh “triệt để tiết kiệm điện” vì tiết kiệm điện là giải pháp rất quan trọng. Nếu vẫn đang chạy dầu phát điện mà không tiết kiệm thì rất lãng phí.
Dự báo thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Miền Bắc đang ở mùa nóng, miền Nam chính thức bước vào mùa mưa, như vậy phụ tải miền Nam sẽ không tăng cao nữa. Hệ thống điện quốc gia những ngày sắp tới ở miền Bắc vẫn còn cao, trong khi miền Trung và miền Nam phụ tải đã bình ổn.
“Hiện nay, cả nước có gần 80.000MW công suất lắp đặt, trong khi nhu cầu cao nhất là hơn 44.000MW. Nếu đảm bảo các tổ máy không có sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ tốt, tiết kiệm điện tốt thì sẽ vượt qua những khó khăn cung ứng điện”, ông An nhấn mạnh và cho biết Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo hàng ngày vấn đề này.
Đại diện Ban Tài chính kế toán (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) Thời gian qua, EVN đã làm việc với các đơn vị cung cấp than như TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, mong muốn hai tập đoàn này cung cấp đủ than cho điện. Vừa qua, tài chính EVN gặp khó khăn nên có đề nghị hai đơn vị này xem xét giãn thời gian trả tiền nhiên liệu. Hai đơn vị này cơ bản đồng ý với đề xuất của EVN. “Nếu EVN không được giãn tiền than thì cũng phải mua đủ than để phát điện”, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh. |