Nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2024 là hơn 74,3 triệu tấn, nhưng nguồn trong nước chỉ đáp ứng được 65%, số còn lại phải nhập khẩu.
Theo quyết định kế hoạch than cho sản xuất điện năm 2024 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, chủ đầu tư các nhà máy điện phải thu xếp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện năm sau, trong đó lượng than phải nhập trên 26 triệu tấn.
Tức là nguồn than trong nước cung ứng từ Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty than Đông Bắc chỉ cung ứng được hơn 48,2 triệu tấn than cho sản xuất điện năm sau.
Để đủ than cho sản xuất điện năm sau, Bộ Công Thương giao các chủ đầu tư đa dạng nguồn than nhập khẩu, mua bù đắp lượng than mà TKV, Tổng công ty than Đông Bắc không thể đáp ứng, trừ các nhà máy điện BOT dùng than trong nước được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cấp than. Hàng tháng, doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý việc cung ứng, dự trữ than cho điện.
Các nhà máy cũng chịu trách nhiệm toàn diện trong thu xếp nguồn than hợp pháp, thông số kỹ thuật phù hợp công nghệ của nhà máy (trừ các nhà máy BOT). Việc này nhằm đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy với giá cạnh tranh.
“Trong mọi trường hợp không được để đứt gãy nguồn cung ứng than, thiếu than cho sản xuất điện”, Bộ Công Thương yêu cầu.
Ngoài Australia, Indonesia – các thị trường nhập than chính của Việt Nam, thì nhập khẩu than từ Lào cũng được tính tới. Theo bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực than Việt Nam – Lào ký hồi tháng 7, mỗi năm Việt Nam sẽ nhập khoảng 20 triệu tấn than từ Lào, tùy điều kiện thực tế thị trường, nhu cầu mỗi bên.
Tuy vậy để có giá than nhập từ Lào cạnh tranh, tại hội nghị bàn về thúc đẩy hợp tác mua bán than từ Lào ngày 9/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ Lào giảm thuế xuất khẩu than và các loại phí liên quan. Việc này nhằm giảm giá thành than Lào nhập về Việt Nam.
Cùng đó, Bộ trưởng Diên đề nghị phía Lào đẩy nhanh việc đầu tư, nâng cấp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp hệ thống hạ tầng, kho bãi, vận chuyển than về Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng giao TKV, Tổng công ty than Đông Bắc đề xuất cơ chế nhập (giá mua và bán) than từ Lào về Việt Nam, để báo cáo Thủ tướng. Trong đó, có giải pháp nâng cao năng lực tiếp nhận than, ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác Lào về sản lượng nhập khẩu.
Để đủ than cho sản xuất điện năm tới, các tập đoàn khác như EVN, PVN rà soát, điều chỉnh kế hoạch cung ứng than theo từng quý và báo cáo vào tháng cuối của quý. Các doanh nghiệp cần xây dựng biểu đồ cung cấp than, dự trữ than hàng tháng gửi về Bộ.
TKV, Tổng công ty Đông Bắc cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp, đổi mới công nghệ để tăng tối đa năng lực khai thác, sản xuất, chế biến than trong nước phục vụ cho phát điện.