Bởi suy cho cùng, mục tiêu của chuyển đổi số chính là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội… Đó cũng sẽ là tâm điểm thảo luận tại Hội thảo quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số, lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, ngày 7/12 tại Hà Nội.
“Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”…
Đi cùng nhau là cùng đón cơ hội và cùng đối diện thách thức! Trên thực tế, như một quy luật, chuyển đổi số hiện nay là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, có tác động rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế – chính trị – xã hội của các nước trên thế giới. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động sản xuất và phân phối thông tin, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt hơn, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới công chúng.
Rõ ràng là, báo chí thế giới đã thay đổi rất nhiều trong mấy năm vừa qua, cách thức làm báo truyền thống đã không còn phù hợp, đặt ra yêu cầu phải hiểu kỹ năng làm báo hiện đại để thu hút người đọc. Bên cạnh đó, báo chí số thúc đẩy tương tác xã hội mạnh mẽ: tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa công chúng với nhau, giữa công chúng với cơ quan chức năng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách…
Báo chí số tạo siêu dữ liệu thông tin trên môi trường mạng, kết nối và huy động công chúng cùng giải quyết các vấn đề xã hội ở phạm vi cộng đồng, quốc gia, quốc tế… Bên cạnh những cơ hội đó, chuyển đổi số cũng mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng… Chúng ta không còn loay hoay với câu hỏi: Chuyển đổi số là gì hay phải bắt đầu từ đâu nữa mà điều quan trọng đặt ra trong bối cảnh này là “quản trị tòa soạn số ấy như thế nào?” để tận dụng một cách tối đa cơ hội và vượt lên những thách thức rất đáng quan tâm hiện nay.
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số, lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” vừa là việc hiện thực hóa đề xuất đăng cai tổ chức hội thảo về chuyển đổi số trong báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị Đại hội đồng lần thứ 20 Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ)… cũng vừa là mong muốn góp phần tạo sự gắn kết, đoàn kết hơn nữa giữa các cơ quan báo chí trong khu vực.
Ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Việc tổ chức Hội thảo “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” báo chí sẽ giúp cho các cơ quan báo chí, các nhà báo trong ASEAN hiểu hơn và tham gia sâu hơn vào việc chuyển đổi số góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn, cập nhật hơn những cách thức làm báo mới, thúc đẩy thông tin báo chí trong khu vực được lan toả mạnh hơn, tốt hơn. Từ đó, góp phần cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa công chúng, dân chúng ASEAN với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi đất nước; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khu vực”.
Cùng học tập, ứng dụng mô hình xây dựng và quản trị tòa soạn số hiệu quả
Một trong những mục tiêu trong kế hoạch hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2023 chính là hướng đến một diễn đàn rộng rãi, tầm vóc về vấn đề chuyển đổi số báo chí để trao đổi, học hỏi và nâng tầm vị thế của tổ chức Hội trong bối cảnh hiện nay. Một trong những động lực lớn nhất để Hội Nhà báo Việt Nam quyết tâm thực hiện sự kiện này chính là sự đồng lòng, sự hưởng ứng rất tích cực của các đoàn báo chí trong khu vực ASEAN.
Theo Ban tổ chức, sự kết nối với các đoàn báo chí trong khu vực diễn ra rất thuận lợi, nhận được sự hưởng ứng cao, các đoàn nhà báo đều chuẩn bị các nội dung tham luận gửi tới Hội thảo. Tại hội thảo lần này, Hội Nhà báo Việt Nam hân hạnh chào đón các đại biểu quốc tế là các nhà quản lý báo chí, đại diện các hiệp hội báo chí truyền thông và các nhà báo giàu kinh nghiệm từ 7 nước ASEAN đã sang dự hội thảo: Singapore, Malaysia, Indonesia, Phillipines, Thái Lan, Lào, Campuchia.
Các đoàn báo chí trong khu vực đều khẳng định rằng, chuyển đổi kỹ thuật số của phương tiện truyền thông không chỉ là vấn đề sống còn, mà còn cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, tổ chức truyền thông và người làm báo. Việc xây dựng báo chí ASEAN trở thành khối thống nhất là rất quan trọng bởi trong ASEAN có sự liên kết giữa 3 trụ cột, trụ cột về an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong đó, việc tổ chức Hội thảo báo chí của các nước ASEAN sẽ góp phần xây dựng 3 trụ cột này, đặc biệt trong trụ cột văn hóa, thông tin báo chí…
Hội thảo sẽ bao gồm 2 phiên: Phiên thứ nhất: thảo luận các vấn đề lý luận chung về quản trị tòa soạn số. Phiên thứ hai: Thảo luận các vấn đề về thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp để thực hiện quản trị tòa soạn số. Các chuyên gia sẽ làm rõ các vấn đề lý luận chung về báo chí số và tòa soạn số, trong đó bao gồm nền tảng số và các công cụ số trong quản trị tòa soạn báo chí. Đồng thời, bàn luận và chỉ ra những vấn đề mới đang đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu đối với xây dựng tòa soạn số.
Ngoài ra, Hội thảo cũng sẽ có thảo luận về xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; những cơ hội và thách thức đặt ra trong bối cảnh xu thế chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, những thay đổi của công chúng trong quá trình chuyển đổi số dẫn đến sự thay đổi trong sản xuất báo chí.
Đặc biệt, sẽ có những trình bày, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn ở các nước; từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện chuyển đổi hoạt động của tòa soạn của các cơ quan báo chí hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn số. Trong đó nhấn mạnh, những hướng dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí tại các quốc gia như thế nào?… để cùng học tập lẫn nhau, ứng dụng các mô hình xây dựng và quản trị tòa soạn số một cách hiệu quả. Tất nhiên, nhìn về chuyển đổi số không chỉ nhìn thấy “màu hồng”, những cơ hội xán lạn mà thách thức cũng rất lớn. Bởi vậy, hội thảo này, các nước ASEAN sẽ cùng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, thậm chí cùng nhìn vào những khó khăn phải vượt qua như về nguồn nhân lực, tài lực trong đầu tư để triển khai hiệu quả và phù hợp với từng quốc gia.
Đến với Hội thảo quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số, lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” chúng ta sẽ có cơ hội lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí của thành viên trong Liên đoàn Báo chí ASEAN; về chính sách, giải pháp của các nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông; về những mô hình thành công của chuyển đổi số báo chí, truyền thông…
Hội thảo này cũng tạo ra một cơ chế trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình, và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông của các nước ASEAN. Từ đó, tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác thời gian tới trong cộng đồng ASEAN; nhằm cùng nhau xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số…
Hà Vân