Để bộ luật sửa đổi với nhiều nội dung mới, quan trọng thực sự đi vào đời sống xã hội, được người dân tiếp nhận và thực hiện, Bộ TN&MT đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai với các hoạt động truyền thông, tập huấn và xây dựng các văn bản dưới Luật… Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Mạnh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước xung quanh vấn đề này.
PV: Từ góc nhìn của cơ quan hoạch định chính sách, là thành viên tham gia xây dựng dự án Luật, theo ông, đâu là những điểm mới của Luật Tài nguyên nước 2023 mang lại sự thay đổi cơ bản trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước?
Ông Ngô Mạnh Hà: Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách quan trọng về bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước và Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; Giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Luật được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra. Đồng thời quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản. Theo đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính… theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Đặc biệt, Luật hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định. Đây là một trong những điểm nổi bật của Luật Tài nguyên nước 2023. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông. Đồng thời, giảm thiểu nhân lực, chi phí vận hành, quản lý. Đây cũng là điều mà tôi tâm đắc nhất kể từ trong quá trình sửa Luật đến khi Luật được thông qua.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” hiện nay, Luật Tài nguyên nước 2023 đã có những quy định gì được cho là “chìa khóa” để giải quyết căn cơ các thách thức về an ninh nguồn nước hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn?
Ông Ngô Mạnh Hà: Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng đến khi được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước. Các chính sách liên quan đến An ninh nguồn nước được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Luật nhằm hướng tới bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt được đặc biệt chú trọng. Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định tại Điều 26, trong đó quy định việc kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
PV: Trước thực tế tại các địa phương, khi nhiều dòng sông cạn trơ đáy hoặc đen đục do hoạt động xả thải gây ô nhiễm, trở thành dòng sông chết, xin hỏi, quy định mới tại Luật Tài nguyên nước 2023 yêu cầu trách nhiệm của địa phương như thế nào trong việc phục hồi môi trường cho những dòng sông này, thưa ông?
Ông Ngô Mạnh Hà: Để có hành lang pháp lý cụ thể, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Theo Luật, căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước được phê duyệt, mức độ, phạm vi suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước trên các lưu vực sông, yêu cầu khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh có liên quan tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, khi đầu tư dự án xây dựng đập, hồ chứa trên các sông thuộc danh mục nguồn nước cần phục hồi phải lấy ý kiến của Bộ TN&MT, tổ chức lưu vực sông nơi triển khai dự án về nội dung phục hồi nguồn nước trước khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư dự án.
PV: Sau khi Luật Tài nguyên nước 2023 được thông qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Quản lý tài nguyên nước đã có kế hoạch gì để chuẩn bị triển khai các chính sách, quy định của pháp luật để Luật thực sự đi vào đời sống?
Ông Ngô Mạnh Hà: Để đảm bảo khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành và đi vào cuộc sống, thời gian qua, chúng tôi đã tập trung nguồn lực triển khai xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đến nay, về cơ bản chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước 2023 và dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục trong kê khai đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Bên cạnh việc triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch phối hợp với các địa phương để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của Luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Cùng với đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương, trên cơ sở đó có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.
Ngoài ra, để thực thi chính sách trong Luật đảm bảo hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, liên quan đến vấn đề tổ chức thực hiện, chúng tôi cũng có chính sách huy động các nguồn lực của xã hội cùng tham gia trong công tác bảo vệ, khai thác sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra. Chúng tôi hy vọng với cách huy động nguồn lực của Nhà nước và của tư nhân đồng bộ, linh hoạt thì các vấn đề tài nguyên nước của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được xử lý ngày càng tốt lên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!