Báo The Korea Herald cho hay nhà sản xuất đồ lót Ssangbangwool ở Hàn Quốc hôm 22.2 thông báo công ty sẽ hỗ trợ tới 100 triệu won (khoảng 1,85 tỉ đồng) cho các nhân viên mang thai.
Theo chương trình đãi ngộ sinh con của công ty, nhân viên có thể nhận được 30 triệu won cho đứa con đầu lòng, 30 triệu won nữa cho đứa con thứ hai và thêm 40 triệu won cho đứa con thứ ba.
Công ty cũng tiết lộ họ sẽ cung cấp tới 3 triệu won cho những nhân viên cần thụ tinh trong ống nghiệm.
“Tỷ lệ sinh thấp là một nhiệm vụ quan trọng mà xã hội chúng ta phải vượt qua. Công ty sẽ chịu trách nhiệm và nỗ lực hết mình để giúp đất nước tăng tỷ lệ sinh”, người phát ngôn của Ssangbangwool cho biết.
Thông báo này được đưa ra sau khi tập đoàn xây dựng Booyoung hồi đầu tháng 2 tuyên bố họ sẽ chu cấp cho nhân viên 100 triệu won mỗi lần sinh con – mức đãi ngộ sinh con bằng tiền cao nhất trong các doanh nghiệp ở Hàn Quốc.
Công ty cho biết Booyoung đã cung cấp tổng cộng 7 tỉ won cho 70 nhân viên có một con trở lên kể từ tháng 1.2021.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang hỗ trợ các chương trình khuyến khích sinh con của các công ty.
Hàn Quốc trong vòng luẩn quẩn sinh con ít – thiếu bác sĩ nhi khoa
Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã chỉ thị cho các trợ lý của mình cung cấp các ưu đãi về thuế và các biện pháp hỗ trợ khác để thúc đẩy các công ty triển khai các chương trình khuyến khích sinh con.
Bất chấp những nỗ lực chung của cả khu vực công và khu vực tư nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, nhiều người lao động ở Hàn Quốc vẫn cho rằng việc chỉ chi tiền khó có thể tạo ra khác biệt.
“Công ty của tôi gần đây đã quyết định tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nhân viên đang mang thai. Nhưng tôi không nghĩ chỉ cần dùng tiền là có thể khiến nhân viên có con. Họ không muốn cảm thấy tội lỗi khi sử dụng toàn bộ thời gian nghỉ chăm con dành cho cha mẹ và các chính sách có thể đảm bảo giờ làm linh hoạt cũng không còn tồn tại”, The Korea Herald dẫn lời một phụ nữ đi làm, có con 7 tuổi.
Một số người lo ngại rằng ưu đãi về thuế của chính phủ có thể dẫn đến tình trạng phân cực việc làm.
“Những tin tức gần đây liên quan đến các chương trình khuyến khích sinh con của các công ty lớn và kế hoạch cung cấp các ưu đãi về thuế của chính phủ khiến tôi lo lắng vì tôi không đủ điều kiện tham gia các chương trình đó”, một nhân viên họ Lee, làm việc tại một công ty quy mô nhỏ, cho biết.
Theo Cơ quan Thuế Quốc gia Hàn Quốc, chỉ có 2,3% người lao động trong nước nhận được hỗ trợ tài chính từ các chương trình khuyến khích sinh con của công ty họ.
“Các chương trình khuyến khích sinh con của các công ty cung cấp một số hỗ trợ tài chính, nhưng chúng sẽ không có tác động lớn đến việc thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước tăng lên đáng kể vì chỉ có một số ít nhân viên được hưởng lợi từ chúng”, một nhân viên bộ phận nhân sự của một tập đoàn Hàn Quốc chia sẻ.
Tỷ lệ sinh – tức số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong cuộc đời họ – ở Hàn Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục 0,78 vào năm 2022, và con số này được cho là còn thấp hơn nữa trong năm 2023.