KỶ NIỆM 80 NĂM RA ÐỜI “ÐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” (1943 – 2023)
Nhận thức thấu đáo, khách quan giá trị của Ðề cương về văn hóa Việt Nam
Ra đời cách đây 80 năm, Ðề cương về văn hóa Việt Nam được coi như tuyên ngôn đầu tiên của Ðảng về văn hóa; có giá trị khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nhận thức sai lệch, thậm chí xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Ðề cương; ngầm phủ nhận đường lối văn hóa của Ðảng.
Cần hiểu thấu đáo 3 nguyên tắc
Trên thực tế, 3 nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng” được vạch ra từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 cho đến nay vẫn còn giữ được tính khoa học và thời sự.
Do hoàn cảnh ra đời gấp gáp, bức thiết, Đề cương như một cương lĩnh hành động của Đảng nên 3 nguyên tắc này được giải thích rất ngắn gọn. “Dân tộc hóa” của nền văn hóa mới là chống lại những ảnh hưởng của văn hóa nô dịch và văn hóa thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam không thể phát triển độc lập. “Khoa học hóa” là chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa thiếu tính khoa học và phản tiến bộ. “Đại chúng hóa” là chống lại những xu hướng tư tưởng, những thứ văn hóa mị dân, khiến cho văn hóa Việt Nam phản lại quyền lợi của đông đảo đại chúng, xa lánh đại chúng.
Đồng chí Trường Chinh tặng hoa cho đơn vị đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim lần thứ 2, năm 1973. Ảnh: TTXVN |
3 nguyên tắc ấy được nói tới rất ngắn gọn. Do đó, trong thực tiễn, có nơi, có lúc còn hiểu chưa đúng theo hướng đơn giản hóa. Năm 1943, các nguyên tắc được xác định chỉ là những định hướng cho cuộc cách mạng xã hội sắp nổ ra. Trong bối cảnh ấy, những gì trái với dân tộc, đại chúng, phản khoa học, khiến cho mục tiêu của cách mạng không đạt được chính là đối tượng đấu tranh của văn hóa Việt Nam. 3 nguyên tắc không tách rời mục tiêu cứu nước, với những hành động cụ thể, hữu ích, chứ không phải những tư tưởng xã hội và văn hóa mang màu sắc “mị dân”, “phản dân tộc”, “xa rời đại chúng” đang phổ biến trong đời sống xã hội đương thời.
Bên cạnh đó, không ít người cố tình hiểu sai đường hướng Đề cương vạch ra. Vận dụng nguyên tắc, định hướng của Đề cương vào những tình huống cụ thể, họ cố ý “kết tội” đường hướng văn hóa do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ Đề cương là chính trị hóa văn hóa, áp đặt, sai lầm; thậm chí đưa ra yêu sách phải từ bỏ nguyên tắc này hay nguyên tắc khác.
Tiếp tục phát huy giá trị của Đề cương
Sức sống qua 80 năm của Đề cương về văn hóa Việt Nam cho thấy, nhiệm vụ đấu tranh về tư tưởng – lý luận văn hóa, văn nghệ luôn mang tính cấp thiết ở mọi thời kỳ, giai đoạn. Tuy nhiên, với từng bối cảnh cụ thể, cần có mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp đấu tranh phù hợp. Đối tượng đấu tranh của văn hóa vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức đa dạng, tinh vi; được truyền bá dưới dạng các học thuyết chính trị – an ninh, sức mạnh mềm, qua các đối tượng du học, xuất – nhập khẩu văn hóa phẩm, đặc biệt là các nền tảng số mang tính chất xuyên biên giới.
Trong xu thế phát triển, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn không từ bỏ mưu toan phủ nhận thành tựu của nền văn hóa cách mạng, xuyên tạc đường lối về văn hóa, văn nghệ của Đảng. Thâm độc nhất là không ngừng cổ xúy cho cái gọi là “văn nghệ độc lập với chính trị”; kích động, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ ra khỏi đời sống thực tiễn và con đường đi lên CNXH của đất nước ta.
Ngày 22.10.2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết định hướng tư tưởng – lý luận, tập hợp lực lượng, tổ chức các phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và tư tưởng về văn hóa, văn nghệ nói riêng.
Sự định hướng ấy càng có ý nghĩa lớn trong hoàn cảnh các hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ vẫn phức tạp. Có hoạt động công khai trắng trợn; song cũng không ít hoạt động tinh vi, lợi dụng núp bóng các hình tượng, biểu tượng mang tính văn học, nghệ thuật. Thực tiễn đời sống sáng tạo văn học, nghệ thuật thời gian qua cho thấy, không ít tên tuổi lớn trưởng thành trong binh lửa lại “quay xe, trở cờ”, tung những lời “sám hối” trên mạng xã hội. Và, cũng có những tác giả đang từng bước tạo dựng sự nghiệp lại dao động, bối rối, mất phương hướng…
Kiên định những nguyên tắc, định hướng của Đề cương cũng như chủ trương sau đó của Đảng về văn hóa, chúng ta cần phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những kẻ chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị. Không gian mạng ngày càng trở thành “mặt trận” chính của cuộc đấu tranh ấy.
MAI LÂM