Trong khi nhiều quốc gia sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Nguyên nhân do việc mua bán và sử dụng kháng sinh vô tội vạ trong điều trị khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng báo động.
Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân bị kháng thuốc |
Nguy kịch vì tự ý sử dụng kháng sinh
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Đ.V.N. (70 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) nhập viện địa phương do khó thở suốt 2 tuần. Trước đó, ông tự mua kháng sinh uống nhưng không thuyên giảm, được gia đình chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong tình trạng thở máy, phải đặt nội khí quản và được chẩn đoán là viêm phổi do Klebsiella pneumoniae (một trong những vi khuẩn gram âm có tỷ lệ kháng kháng sinh cao hàng đầu).
Ông N. đã được điều trị với colistin (kháng sinh hàng cuối cùng để điều trị vi khuẩn gram âm đa kháng). Kết quả cấy đàm sau đó cho thấy vẫn còn tồn tại vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đa đề kháng (chỉ còn nhạy với một nhóm kháng sinh aminoglycoside – nhóm kháng sinh mạnh nhưng có độc tính trên thận và tiền đình ốc tai, khoảng trị liệu hẹp, cần phải theo dõi nồng độ thuốc trong máu). Các bác sĩ đã cùng hội chẩn với dược sĩ lâm sàng tại khoa, quyết định sử dụng phối hợp kháng sinh piperacillin/ tazobactam và amikacin (thuộc nhóm aminoglycoside), tiến hành theo dõi chức năng thận và đo nồng độ thuốc trong máu nhằm tối ưu hóa điều trị. Kết quả ông N. cải thiện tích cực, hết sốt, ngưng được máy thở.
Là người thường xuyên sử dụng kháng sinh cho con khi thời tiết thay đổi, Nguyễn Minh Tiến (ngụ quận 8, TPHCM) cho biết, trong tủ thuốc gia đình nhà anh, thuốc gì có thể thiếu, nhưng không thể thiếu thuốc kháng sinh như amoxicillin, penicillin… để phòng khi các con bị cúm thời tiết chuyển mùa. Anh Tiến cho biết, mấy đứa trẻ nhà anh hay bị ho, lo sợ vào bệnh viện đông người và con bệnh nhẹ chưa đến mức vào viện nên uống kháng sinh cho tiện.
Dễ như mua kháng sinh ở Việt Nam
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc phát minh ra kháng sinh là một điều kỳ diệu trong y học hiện đại. Thuốc kháng sinh ra đời đã giúp thay đổi lớn trong công tác điều trị, giúp tiêu diệt các vi khuẩn nguy hiểm, nhờ vậy nhiều loại bệnh đã được khống chế.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy việc lạm dụng kháng sinh của con người không hợp lý đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xây dựng sức đề kháng với kháng sinh, khiến chúng hầu như không còn hiệu quả và phải thừa nhận rằng: không ở đâu mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam – đây là một thách thức lớn của cộng đồng.
Theo GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nguyên nhân do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe như kê đơn không hợp lý, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa tốt, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng… Đặc biệt, việc người dân tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, tự ý tăng giảm hoặc bỏ liều cũng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) cho biết, tình trạng kháng thuốc đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. Những năm trước, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng đến nay, nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng, chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện.
Nguy cơ kháng thuốc trầm trọng
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), hiện việc sử dụng kháng sinh ở nước ta khá bừa bãi. Người dân có thể dễ dàng mua được kháng sinh ở nhà thuốc, hoàn toàn khác với thế giới phải có toa chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, trong môi trường bệnh viện, tỷ lệ bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh còn rất cao, gần một nửa chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời điểm…
Thậm chí có nhiều chỉ định “đánh” kháng sinh mang tính chất “bao vây”, chưa kể việc phán đoán loại vi khuẩn sử dụng kháng sinh có khi quá tay dẫn đến kháng thuốc. “Nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng kháng thuốc rất khó điều trị, thời gian nằm viện kéo rất dài, chi phí sử dụng thuốc kháng sinh cao, đặc biệt phải cùng lúc dùng nhiều loại kháng sinh mới có thể trị được vi khuẩn kháng thuốc”, TS-BS Lê Quốc Hùng thông tin.
Bác sĩ đang tư vấn cho người bệnh cách sử dụng thuốc an toàn |
Nhận định về mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế ), cho rằng, ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, chúng ta còn đối mặt với khả năng một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.
Theo kết quả khảo sát của ngành y tế, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn của bác sĩ, ở khu vực thành thị là 88%, ở nông thôn tới 91%. Vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng trầm trọng khi nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh mà nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh. Phần lớn các loại kháng sinh thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2 hiện nay đều không có tác dụng đặc hiệu. Các bệnh viện hầu hết phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị.
Phấn đấu đến năm 2045, kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, từ nay đến năm 2030, chiến lược đề ra 4 mục tiêu: nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.
Phấn đấu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả.
Theo giới chuyên môn, kháng sinh được sử dụng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật, bao gồm thuốc kháng vi khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng. Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn phản ứng với thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Tình trạng kháng kháng sinh hiện nay dẫn đến ngày càng có nhiều bệnh lý nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, bệnh lao…) trở nên khó điều trị hơn, thậm chí không thể điều trị được nữa.