Nhân tháng hành động về ATVSLĐ: Tăng cường giám sát, nâng cao ý thức tự bảo vệ
Dù đã được quan tâm nhưng nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp của người lao động trong tỉnh vẫn còn khá cao. Ðể tránh nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi người lao động phải tự mình nâng cao ý thức bảo vệ. Khi cả hai yếu tố này song hành, việc phòng chống bệnh nghề nghiệp mới đạt hiệu quả.
Phối hợp liên ngành trong phòng chống bệnh nghề nghiệp
Thời gian qua, công tác khám, tầm soát, phát hiện bệnh nghề nghiệp đã được các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn. Cùng với đó là sự phối hợp liên ngành LĐ-TB&XH, Công đoàn, Công Thương, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, Y tế trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động tại các DN có nguy cơ cao.
Người lao động Công ty CP Nệm gối Quy Nhơn tuân thủ quy định đeo khẩu trang khi làm việc. Ảnh: Đ. THẢO |
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng Phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH), Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh năm 2023, cho biết: Về công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp, chúng tôi phối hợp với ngành y tế thường xuyên thanh tra, kiểm tra những DN có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao, như đá, gỗ, may bông nệm… Đồng thời phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định (CDC Bình Định) trong khám, phát hiện chủ động. Trong công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp, công tác quan trắc môi trường lao động rất quan trọng, để đảm bảo người lao động được làm việc trong môi trường an toàn.
Năm 2022, CDC Bình Định phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 75 đơn vị (các cơ sở y tế 10 đơn vị) với tổng số mẫu đo là 9.406 mẫu; khám sức khỏe định kỳ cho 23.084 lao động; trong đó khám, tư vấn và lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho 238 người. Ngoài ra, các ngành chức năng còn phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống bệnh bụi phổi silic, bệnh điếc nghề nghiệp… Tập trung chủ yếu tại các DN sản xuất, khai thác đá và chế biến vật liệu xây dựng, các DN khai thác mỏ, sản xuất chế biến lâm sản.
Là DN kinh doanh khai thác, chế biến đá granite, người lao động của Công ty TNHH Đại Hùng có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp là rất cao. Ông Phạm Hùng Hời, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Hùng, cho biết: Để đảm bảo ATVSLĐ, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, chúng tôi tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, trang bị phương tiện cấp cứu tại chỗ, thay mới trang thiết bị phục vụ sản xuất và đóng BHXH cho tất cả lao động thuộc đối tượng đóng BHXH.
Cần quan tâm nhiều hơn nữa
Theo CDC Bình Định, quy trình khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định tỷ lệ mất khả năng lao động để chuyển BHXH giải quyết chế độ tương đối phức tạp nên ít có DN tự giác thực hiện.Thực tế, nếu thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ thì DN phải tốn kém khá nhiều, ảnh hưởng đến lợi nhuận, khiến giá thành sản phẩm cao hơn nên công tác này chưa được để ý, quan tâm thực hiện. Đồng thời, đa số người lao động trong các ngành nghề tự do có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp như: Thợ đá, công nhân khai thác chế biến đá granite, nghệ nhân làm đồ đá mỹ nghệ… thường không mua bảo hiểm Tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp; do đó khi mắc bệnh cũng không được khám, phát hiện kịp thời. Hơn nữa do ý thức về chủ động bảo vệ sức khỏe thông qua bảo hiểm thấp nên khi phát hiện có bệnh cũng không được hưởng chế độ, khi đó thiệt thòi của người lao động rất lớn.
Theo ông Trình Công Tuấn, Phó Giám đốc CDC Bình Định, để việc phòng chống bệnh nghề nghiệp đạt kết quả tốt, trước tiên phải tìm mọi biện pháp xây dựng cơ chế ngăn ngừa người lao động tiếp xúc với các yếu tố độc hại như: Bụi, tiếng ồn, phóng xạ, hóa chất và vi sinh vật có hại… Vì vậy, các DN phải đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để hạn chế tối đa nguồn phát sinh các yếu tố độc hại, trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động theo quy định để ngăn chặn các yếu tố có hại tiếp xúc trực tiếp với công nhân lao động. Bên cạnh đó, hằng năm phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động theo quy định (bao gồm cả khám định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp). Đối với những ngành nghề độc hại, phải tổ chức khám ít nhất 6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm người lao động mắc bệnh và có biện pháp cách ly, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, tổ chức điều trị, điều dưỡng để phục hồi sức khỏe kịp thời.
Muốn phòng chống tốt bệnh nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay, biện pháp tốt nhất là các cơ quan chức năng cần giám sát và có chế tài xử lý các DN không thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp theo quy định. Đặc biệt, phải truyền thông cho người lao động và người sử dụng lao động biết các quyền và nghĩa vụ của mình về công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật – ông Trình Công Tuấn chia sẻ.
Đ. THẢO