Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, sáng 27/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) dẫn chứng số liệu tra cứu, giai đoạn năm 2013 – 2022, Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học.
Theo ông, cần làm rõ hơn khái niệm nhân tài. “Nhân tài không hẳn là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất và học vị cao nhất, mà là người phù hợp nhất với công việc, đạt được kết quả cao nhất với nhiệm vụ được giao, có tầm nhìn phát triển trong tương lai…”, đại biểu Hùng nói.
Đồng thời, theo vị đại biểu đoàn Cần Thơ, việc thu hút nhân tài cần phải chủ động hơn, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải tự tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo, thu hút họ về làm việc.
Việc này đã được Chính phủ, nhiều tập đoàn lớn thực hiện khá thành công thời gian qua. Thậm chí, nhiều đơn vị còn chủ động tài trợ học phí, ký cam kết tuyển dụng với những nhân tố sáng giá ngay từ khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng lập luận, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm, phát hiện, kế hoạch bồi dưỡng nhân tài.
Ông cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung các quy định: xây dựng chính sách thông tin truyền thông về phát hiện thu hút nguồn nhân tài; bổ sung cơ chế chính sách phát triển sớm nhân tài, từ đó có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào ngành nghề trọng điểm; bổ sung xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại để người tài phát triển; bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở gia đình người có tài…
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cũng đề xuất bổ sung quy định thành phố có quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo, có chế độ lương thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng của thành phố. Đồng thời, giao các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia cho thành phố.
Đồng quan điểm, đại biểu Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) kiến nghị ban soạn thảo cần cụ thể hóa hơn các yêu cầu thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.
Theo đại biểu, cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành các quy định cụ thể hơn về các đối tượng cần thu hút, phân loại rõ ràng, phù hợp từng vị trí tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai cho hay, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo.
Việc phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.
Sáng 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở sửa đổi. Sau đó, đại biểu thảo luận hội trường báo cáo của Chính phủ về Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Buổi chiều, các đại biểu bấm nút thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lưu trữ sửa đổi.
Hà Cường