Ngày 25/5, tại Hà Nội, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận hành và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam” đã được tổ chức.
Hội thảo ‘Chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận hành và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam’ ngày 25/5/tại Hà Nội. (Nguồn: UNFPA) |
Hội thảo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Giai đoạn chuyển tiếp của UNFPA: “Các hoạt động tiếp nối Dự án Xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, được thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023″ do KOICA tài trợ. Dự án nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa, hay “Ngôi nhà Ánh Dương”, tại Việt Nam.
Trung tâm Dịch vụ Một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực – Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thành lập tại Quảng Ninh vào tháng 4/2020 thông qua dự án “Xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do KOICA tài trợ, giai đoạn 2017-2021 với tổng kinh phí là 2,5 triệu USD.
Sau hơn 2 năm thành lập và hoạt động, mô hình đã khẳng định được hiệu quả, tính ưu việt trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm, cách làm và đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, vận hành cũng như nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam.
Đánh giá cao hiệu quả và sự cần thiết của mô hình này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh trong thời gian qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Với quan điểm lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong quá trình cung cấp dịch vụ, việc thảo luận các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa như Ngôi nhà Ánh dương là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nhằm hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận các dịch vụ tổng hợp, thiết yếu và có chất lượng.
“Để làm được điều này đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là phải có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới”, bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Bạo lực trên cơ sở giới là một biểu hiện của bất bình đẳng giới vốn đã ăn sâu trong xã hội Việt Nam. Theo Điều tra quốc gia do UNFPA hỗ trợ thực hiện năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ trong độ tuổi 15 – 64 thì có gần 2 người đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và/hoặc kinh tế trong đời.
Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề còn bị che giấu với hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực không chia sẻ với ai về chuyện này. Bạo lực trên cơ sở giới đang gây ra thiệt hại đáng kể đến kinh tế Việt Nam, ước tính chi phí tổn thất chiếm 1.81% GDP.
Bạo lực trên cơ sở giới là một biểu hiện của bất bình đẳng giới vốn đã ăn sâu trong xã hội Việt Nam. Theo Điều tra quốc gia do UNFPA hỗ trợ thực hiện năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ trong độ tuổi 15 – 64 thì có gần 2 người đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và/hoặc kinh tế trong đời. Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề còn bị che giấu với hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực không chia sẻ với ai về chuyện này. Bạo lực trên cơ sở giới đang gây ra thiệt hại đáng kể đến kinh tế Việt Nam, ước tính chi phí tổn thất chiếm 1.81% GDP. |
Trong năm 2022, có thêm 3 Ngôi nhà Ánh Dương được thành lập tại tỉnh Thanh Hóa, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản. Các chi phí vận hành sau đó được chi trả bằng nguồn tài trợ từ chính phủ Australia.
Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới (BLG) và bạo lực gia đình. Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp nhiều loại hình dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, các dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp cũng như các dịch vụ chuyển tuyến.
Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Trung tâm dịch vụ một cửa đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời được đảm bảo về quyền riêng tư và bảo mật.
Ông Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia của KOICA Việt Nam, cho biết KOICA đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa tại Việt Nam. Đồng thời, ông gửi lời cảm ơn đến UNFPA đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để đảm bảo tính sẵn có và khả năng tiếp cận của các dịch vụ hỗ trợ do Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp.
Ông Cho Han Deog khẳng định: “KOICA xem bình đẳng giới là một nội dung tích hợp trong các chương trình và dự án hỗ trợ phát triển chính thức của mình. KOICA, UNFPA và Chính phủ Việt Nam đã triển khai và hoàn thành xuất sắc Dự án xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020″.
Theo ông Cho Han-Deog, trong khuôn khổ dự án, Trung tâm dịch vụ một cửa đầu tiên – Ngôi nhà Ánh Dương đã được xây dựng tại tỉnh Quảng Ninh năm 2020 nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tích hợp cho người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. Mô hình đã và đang thành công trong việc góp phần mang lại niềm hy vọng cho những người bị bạo lực, vì vậy, KOICA sẵn sàng tiếp tục đầu tư thêm 5 triệu USD để nhân rộng mô hình tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Khánh Hòa trong những năm tới.
Sơ đồ quy trình khung cung cấp dịch vụ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Ngôi nhà Ánh Dương tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thu Trang) |
Đại diện của 4 Ngôi nhà Ánh Dương cho biết, các nhân viên cung cấp dịch vụ tại các Trung tâm dịch vụ một cửa phải làm việc rất vất vả để đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ của người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Tính đến nay, 4 Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 60 người bị BLG tại Ngôi nhà Ánh Dương và gần 1.100 người bị bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Ngoài ra, đường dây nóng của các Ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ cho hơn 20.000 cuộc gọi từ người bị bạo lực.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh việc giới thiệu mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa là nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi bạo lực và hỗ trợ cho những người bị bạo lực.
Bà Naomi Kitahara lưu ý rằng: “Mặc dù 4 Ngôi nhà Ánh Dương đang hoạt động hiệu quả, song nhu cầu hỗ trợ người bị BLG vẫn còn rất cao. Do đó, UNFPA kêu gọi nhân rộng mô hình cơ sở hỗ trợ an toàn và đáng tin cậy này đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Tại Việt Nam, UNFPA muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, bao gồm cả những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại về nhân phẩm. Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030.”
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí rằng việc nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa là hoàn toàn phù hợp với luật pháp và những chính sách, ưu tiên của Việt Nam trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình hiện nay, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp và tham gia vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc thực hiên các hoạt động hỗ trợ cho những người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình.