Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 13 tôn giáo với 33 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động với 2.970 cơ sở tôn giáo; có hơn 3,9 triệu tín đồ, hơn 10.000 chức sắc, hơn 3.000 chức việc…
Phối hợp đồng bộ, hiệu quả
Theo bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM: Trên cơ sở Chương trình phối hợp số 08/CTPH-MTTW-TNMT-TCTG ngày 25/11/ 2022 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT với các tổ chức Tôn giáo về phát huy vai trò các Tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022 – 2026, TP.HCM đã triển khai nội dung phối hợp để phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của các tổ chức tôn giáo, các tín đồ, đồng bào có đạo trong BVMT, ứng phó với BĐKH.
Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Sở TN&MT và 33 tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã ký kết thực hiện Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022 – 2026”. Mục tiêu của chương trình phấn đấu đến hết năm 2026 có 100% các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn thành phố được tiếp cận thông tin và tích cực hưởng ứng, tham gia BVMT và ứng phó BĐKH…
Đồng thời, Chương trình phối hợp sẽ phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, các tín đồ đóng góp tích cực vào việc triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm Môi trường giai đoạn 2020-2030; Kế hoạch Xây dựng Thành phố Xanh – Thân thiện môi trường giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 19/CT-TU của Ban thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch…
Ngoài ra, Chương trình cũng nhằm nâng cao công tác giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức Tôn giáo với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát hiện, phản ảnh các điểm đen môi trường và tố giác hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Theo nội dung ký kết, Chương trình phối hợp được tổ chức thực hiện với phương thức phối hợp đồng bộ, hiệu quả, cách làm chủ động để đưa nội dung ký kết lan tỏa trong các tổ chức Tôn giáo và được tín đồ tích cực hưởng ứng. Nội dung Chương trình phối hợp được đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp và kế hoạch hoạt động hàng năm của các tổ chức Tôn giáo, tổ chức Tôn giáo trực thuộc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tăng cường triển khai, hướng dẫn đồng bộ phân loại chất thải rắn tại nguồn; triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn Thành phố; đồng thời thông tin kịp thời về kết quả quan trắc chất lượng môi trường, các thông tin môi trường theo quy định…
Đồng thời, Sở TN&MT sẽ xây dựng, định hướng nội dung truyền thông, phổ biến các tài liệu hỗ trợ công tác truyền thông BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với các tôn giáo; tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tôn giáo duy trì, phát huy, nhân rộng các mô hình BVMT, ứng phó với BVMT…
Hơn 200 mô hình bảo vệ môi trường
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, uy tín của các tôn giáo trên địa bàn, từ 2015 -2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và Sở TN&MT đã ký kết với các tôn giáo trong việc BVMT và ứng phó với BĐKH. Kết quả, có nhiều giải pháp được triển khai để phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo đối với nhiệm vụ BVMT và ứng phó BĐKH bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, địa bàn dân cư.
Trong đó, các tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo. Các mô hình này đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.
Cụ thể, các cơ sở tôn giáo đã phối hợp với hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng, duy trì gần 200 mô hình, cách làm hiệu quả để BVMT và ứng phó với BĐKH (trong đó Phật giáo có 57 mô hình, Công giáo có 16 mô hình…). Điển hình như các mô hình: “Khu dân cư – Họ đạo không rác”, “Giáo họ xanh, sạch, đẹp” (Quận 4, 8, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp); Mô hình thanh thiếu niên Phật tử dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khuôn viên bên trong và trước cổng chùa và nhà sạch sẽ, gọn gàng…
Bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM khuyến nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục cụ thể hóa các nội dung phối hợp đã ký kết để vận động chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ hưởng ứng các hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khẳng định đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo.
“Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp của thành phố sẽ cùng với các ngành chức năng sẽ tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác BVMT, ứng phó với BĐKH nói riêng”- bà Trần Thị Kim Yến nhấn mạnh.