Thanh Hóa hiện có khoảng 2,25 triệu con nuôi đặc sản với các đối tượng con nuôi phổ biến như: lợn rừng, vịt Cổ Lũng, thỏ, rùa câm, nhím, dúi… với hơn 1.000 hộ được cấp phép nuôi. Để duy trì, bảo tồn nguồn gen của các loài vật nuôi nguồn gốc bản địa và phát triển bền vững con nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp hiện đã và đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển đối tượng con nuôi đặc sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Văn Huấn, xã Phú Nhuận (Như Thanh).
Để phát triển kinh tế hộ, trên địa bàn xã Phú Nhuận (Như Thanh) đã du nhập nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có hàng chục hộ đã phát triển kinh tế từ mô hình nuôi con đặc sản với các loại dê, gà ri, lợn rừng, dúi, nhím… Tìm đến thôn Phú Thượng 1, gia trại nuôi dúi của anh Nguyễn Văn Huấn được xây dựng kiên cố ngay trên diện tích đất vườn nhưng thoáng mát, sạch sẽ với hơn 50 ô chuồng và chia thành nhiều ngăn để nuôi dúi giống và thương phẩm. Từ 10 cặp dúi sinh sản ban đầu, đến nay, mô hình của anh có 200 cặp dúi sinh sản và dúi thương phẩm. Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, anh cho biết: Nuôi dúi chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Tuy nhiên, dúi thuộc loài động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi cần thận trọng hơn các loại động vật khác, phải nắm chắc tập tính, thói quen của con nuôi như: ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp, tiếng ồn, ngủ ngày, ăn về đêm… Thức ăn của dúi là tre, mía, ngô, sắn, cỏ voi… Nhiệt độ thích hợp để nuôi từ 25 đến 28 độ C, để tránh bị sốc nhiệt những ngày nắng nóng, cần phải áp dụng các biện pháp để làm mát chuồng nuôi. Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con, sau 3 tháng có thể xuất chuồng, mỗi cặp dúi giống bình quân khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng tùy loại. Còn dúi thương phẩm thì sau 7 tháng nuôi đạt trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg, giá bán bình quân 600 nghìn đồng/kg. Với những mối tiêu thụ dúi thương phẩm quen thuộc, hằng năm doanh thu của gia đình anh Huấn đạt gần 500 triệu đồng, lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. Hiện nay, huyện Như Thanh đã nhân rộng thêm nhiều mô hình con đặc sản như dê, nhím, lợn rừng… góp phần ổn định thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, con nuôi đặc sản thường có đầu ra không ổn định, tiêu thụ ít hay nhiều phụ thuộc vào từng thời điểm trong năm, kén người mua. Vì vậy, nếu người dân phát triển các mô hình con nuôi đặc sản tự phát, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, không có định hướng tiêu thụ thì hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Ông Nguyễn Trọng Hướng, xã Thiệu Duy (Thiệu Hóa) đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi ba ba, cho biết: Khi nuôi ba ba, người nuôi cần chú ý xây chuồng nuôi được ngăn thành 2 khu vực, một bên có nền cao hơn được đổ cát dày để ba ba sinh sống và 1 bên để khô ráo là nơi ba ba đẻ trứng. Ba ba thường ẩn mình dưới lớp cát, kiếm ăn vào chiều tối, thức ăn chủ yếu của chúng là các loại cá biển nhỏ, giun đất, với khẩu phần tùy thuộc vào trọng lượng của mỗi con. Mô hình này tuy chi phí đầu tư thấp nhưng tốn nhiều công chăm sóc do ba ba là loài bò sát nên khá nhạy cảm với thời tiết, môi trường sống và nguồn thức ăn mới. Hiện nay, bên cạnh số hộ nuôi ba ba, xã Thiệu Duy còn duy trì mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo khảo sát, mô hình con nuôi đặc sản đang được nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh với hơn 20.000 cá thể, các mô hình hiện đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, như nuôi ba ba, rùa câm tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa); nuôi đà điểu tại các huyện Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa; nuôi dê ở huyện Hà Trung; nuôi thỏ tại các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn; nuôi nhím tại các huyện Thạch Thành, Như Thanh… Tuy nhiên phần lớn mô hình con nuôi đặc sản hiện phát triển được qua thời gian dài là do các hộ dân tự tìm kiếm, liên kết với các nhà hàng, các khu du lịch để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chứ chưa có mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định. Vì vậy, để nhân rộng mô hình, phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, các địa phương cần tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp với điều kiện, không chạy theo phong trào, tự phát. Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần chủ động liên kết với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật, đơn vị bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm hiểu về các đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, thực hiện các biện pháp về phòng, tránh dịch bệnh.
Bài và ảnh: Lê Ngọc