Từ bao đời nay, người dân Việt luôn tự hào về cội nguồn “con Lạc, cháu Hồng”. Dù đi đâu, làm gì, ai cũng đều nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Niềm tự hào dân tộc cùng truyền thống hướng về tổ tiên của người Việt đã tạo nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Để rồi, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành biểu tượng văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt, kết nối quá khứ hào hùng với tương lai. Tự hào hơn, tín ngưỡng ấy trở thành di sản văn hóa chung của cả nhân loại.
Đền Hổ Bái (xã Yên Trường, Yên Định) nơi lưu dấu ấn về thời kỳ Hùng Vương.
Nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nhắc nhớ về sự hình thành dân tộc Việt, gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng bọc trăm trứng. Truyền thuyết kể lại, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau và sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt và được tôn làm Vua Hùng. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, dạy người dân trồng lúa nước, thực hiện những nghi lễ, tín ngưỡng. Điều này đã trở thành nền tảng tạo nên những nền văn minh của dân tộc Việt. Hình tượng Vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt, trở thành biểu tượng tôn quý cho tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc.
Ngược dòng lịch sử, từ thời hậu Lê việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Đến đời Vua Lê Thánh tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam tuy còn non trẻ song đã rất quan tâm tới Đền Hùng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng và Người đã có lời căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đến nay, ngày 10-3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể thấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, được hình thành và phát triển trong cộng đồng dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có mặt ở nhiều nơi trên đất nước. Nổi bật hơn cả là tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch đã trở thành lễ hội lớn nhất của cả nước. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng không chỉ thể hiện niềm thành kính, nhất tâm hướng về nguồn cội của cả dân tộc. Mà đó là minh chứng thuyết phục về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và sự đoàn kết của người Việt. Việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng thêm khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc, nhân văn sâu sắc và sức sống, sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại.
Là cái nôi của văn hóa Đông Sơn – một trong những nền văn hóa, văn minh lập nên nước Văn Lang của các Vua Hùng, xứ Thanh hiện vẫn còn lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về thời kỳ Hùng Vương, đáng nói nhất là sự tích về Mai An Tiêm và sự ra đời của quả dưa hấu.
Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm là con nuôi Vua Hùng thứ 18. Bằng sự chăm chỉ, sáng tạo, Mai An Tiêm đã biến một hòn đảo hoang trở thành một mảnh đất trù phú, nổi tiếng với nghề trồng dưa hấu. Đảo hoang ấy chính là vùng đất Nga Sơn hiện nay. Hàng năm, vào ngày 11-3 âm lịch, tại đền thờ Mai An Tiêm ở xã Nga Phú, Lễ hội Mai An Tiêm được diễn ra, trở thành một trong những ngày hội lớn nhất của cư dân trong vùng.
Cùng với câu chuyện về Mai An Tiêm, dấu ấn thời kỳ Hùng Vương trên đất xứ Thanh còn có ngôi đền Đồng Cổ (làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định). Ngôi đền gắn với thần tích, truyền thuyết và những câu chuyện về thần Đồng Cổ – vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Sách xưa chép lại, khi Hùng Vương thứ nhất đem quân xuống phương Nam dẹp giặc Hồ Tôn, đã dừng chân ở thôn Khả Lao (làng Đan Nê ngày nay). Một đêm vua nằm mộng thấy vị thần tự xưng là thần núi Đồng Cổ hiển linh báo với nhà vua rằng, dưới chân núi có trống đồng làm linh khí đuổi giặc. Khi xung trận, giữa lúc hai bên đang giao tranh quyết liệt, thì từ không trung bỗng vọng lên tiếng trống đồng như hối thúc, cổ vũ và tiếp thêm nhuệ khí để vua tôi xông lên đánh tan kẻ thù. Sau khi thắng giặc, nhà vua đã hạ chiếu sắc phong thần núi Khả Lao là Đồng Cổ đại vương, sai quan quân dựng đền thờ ngay cạnh chân núi và lệnh cho Nhân dân trong vùng hàng năm tổ chức tế lễ.
Ngoài đền Đồng Cổ, trên mảnh đất xã Yên Trường, Yên Định còn có ngôi đền Hổ Bái thờ thần Lạc Hầu Hợp Lang – một người con của Vua Hùng. Tương truyền, trong một lần theo dòng sông Mã tìm đến đất Trang Trân Bái ở huyện Yên Định (nay là làng Hổ Bái), thấy cảnh sắc, khí hậu, địa hình hội tụ yếu tố của mảnh đất thiêng, ông đã cho xây dựng ngôi đền trên mảnh đất này, chính là đền Hổ Bái bây giờ. Cũng theo sử sách ghi chép lại, một sự kiện liên quan đến đền Hổ Bái, đó là trong một lần Bà Trưng về đền cầu anh linh Vua Hùng phù hộ để diệt giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Lời khấn cầu linh ứng, Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân đã đánh tan quân giặc. Ngay sau đó, Trưng vương đã về đền Hổ Bái linh thiêng, cho người tu sửa lại và sắc phong cho nhân vật được thờ phụng là “Thượng đẳng phúc thần”. Hằng năm, cứ đến ngày 10-3 âm lịch lễ hội đền Hổ Bái lại được tổ chức trang trọng, Nhân dân khắp vùng tụ về dâng hương tưởng niệm và tham gia nhiều trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo.
Có thể khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã hình thành, phát triển trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ người dân Việt Nam. Với sức sống lâu bền của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày Quốc giỗ 10-3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày hội của dân tộc, mà ở đó mọi người xứ Thanh nói riêng và người dân Việt nói chung đều đồng lòng hướng về cội nguồn tiên tổ, mang theo những ước nguyện tốt đẹp về cuộc sống no ấm, đất nước thanh bình.
Bài và ảnh: Thùy Linh