Nhãn mất mùa, được giá
Được mệnh danh là thủ phủ của nhãn Hưng Yên, trên toàn xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) có hơn 150ha diện tích canh tác loại cây này.
Năm nay, mặc dù nhiều địa phương trong tỉnh mất mùa nhưng nhãn xã Hồng Nam vẫn cho sản lượng lớn. Đặc biệt, loại nhãn cổ đường phèn đặc sản thu hút được lượng khách hàng tìm mua nhiều hơn.
Với diện tích trồng nhãn gần 2 mẫu (7.200m2), bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ nhà vườn Tuấn Tuyết thuộc Vùng sản xuất và tiêu thụ nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên chia sẻ, năm nay sản lượng kém hơn năm ngoái nhưng lại được giá hơn. Nhà vườn Tuấn Tuyết chủ yếu trồng 3 loại nhãn là nhãn Hương Chi, nhãn Tiến Vua và nhãn cùi cổ đường phèn.
“Nhãn Hương Chi có diện tích trồng nhiều nhất trong vườn. Đây cũng là dòng đại trà với giá dao động khoảng 30.000-45.000 đồng/kg. Ngoài ra, còn loại nhãn Tiến Vua giá bán gần 100.000 đồng/kg. Đặc biệt nhãn cùi cổ đường phèn có giá lên đến gần 110.000-120.000 đồng/kg, có thể lên đến 200.000-250.000 đồng/kg vào giai đoạn cao điểm do số lượng chỉ có ít.
Với đặc điểm vỏ mỏng cùi dày, ráo nước, ngọt thơm, các giống nhãn cổ có giá bán cao gấp nhiều lần nhãn thông thường và được thị trường đặc biệt ưa chuộng. Dòng nhãn cùi cổ đường phèn này vừa chín tới đâu là thương lái, khách hàng đặt mua tới đó” – chủ vườn chia sẻ.
Bà Trần Thị Tỏa – chủ gian hàng hoa quả có thâm niên 15 năm tại chợ Phố Cao (Phù Cừ, Hưng Yên) cho hay: “Năm nay nhãn mất mùa, đắt hơn năm ngoái. Tại quầy hàng chủ yếu bán các dòng nhãn T6, siêu ngọt, Hương Chi.
Những dòng nhãn này ngọt, thơm, cùi dày, giòn. Năm ngoái giá dao động tầm 25.000-30.000 đồng/kg. Năm nay lên đến 45.000-50.000 đồng/kg. Mỗi ngày lượng khách đặt số lượng vài tạ, còn bán lẻ tại chợ được khoảng vài chục cân”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Bùi Quang Đạt – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết diện tích trồng nhãn của xã Hồng Nam là nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
“Năm ngoái xã cho sản lượng nhãn đạt khoảng 3500 tấn. Ước tính năm nay sản lượng thu hoạch sẽ ít hơn, khoảng gần 2000 tấn. Nhưng xét trên tình hình mất mùa chung, xã Hồng Nam vẫn đạt sản lượng cao so với các nơi khác. Toàn xã chủ yếu canh tác 3 loại nhãn là nhãn Tiến Vua, nhãn Hương Chi và nhãn cùi cổ đường phèn. Tiêu thụ nội địa vẫn là đầu ra chủ yếu của nhãn xã Hồng Nam” – ông Bùi Quang Đạt cho biết.
Do nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên nhãn cùi cổ đường phèn chủ yếu được dùng làm quà biếu, sử dụng quả tươi với bao bì bắt mắt, tinh tế, mang nét đặc trưng của nhãn lồng Hưng Yên.
Kết hợp du lịch trải nghiệm
Bên cạnh việc thu hoạch nhãn bán cho thương lái đổ đi các tỉnh khác, nhiều nhà vườn ở Hưng Yên còn kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm. Hoạt động trải nghiệm này góp phần đưa trái nhãn Hưng Yên đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Khách từ nhiều nơi khác, có cả khách nước ngoài đến với Hưng Yên trải nghiệm hoạt động này vào mùa nhãn chín. Nhà vườn mở cửa cho khách tham quan, tự tay chiêm ngưỡng những vườn nhãn cây sai trĩu quả và được tận tay chọn lựa từng chùm nhãn ngon nhất. Hai khu vực là thành phố Hưng Yên và Khoái Châu đã thành công xây dựng mô hình này góp phần giúp quảng bá thương hiệu nhãn Hưng Yên đi xa hơn nữa.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có khoảng 5.000ha nhãn; trong đó, có khoảng 1.700ha sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 34% diện tích nhãn toàn tỉnh.
Riêng tại thành phố Hưng Yên có hơn 500ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó có khoảng gần 10ha nhãn ở thành phố Hưng Yên đã nâng cấp từ quy trình VietGAP sang canh tác theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, thành phố Hưng Yên cũng có hơn 10 điểm trồng nhãn đã được cấp mã số vùng trồng OTAS.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/nhan-hung-yen-gia-hon-100000-dongkg-1387335.ldo