Sắc đỏ tiếp tục bao trùm thị trường trong phiên hôm nay (4/4). Trên 3 sàn có 654 mã giảm giá, 17 mã giảm sàn so với 298 mã tăng, 27 mã tăng trần. Trong đó, sàn HoSE có 379 mã giảm giá, gấp hơn 3 lần số mã tăng (110 mã), dù vậy, VN-Index chỉ điều chỉnh 3,22 điểm tương ứng 0,25% còn 1.268,25 điểm.
VN30-Index giảm 6,62 điểm tương ứng 0,52% còn HNX-Index giảm 1,51 điểm tương ứng 0,62%; UPCoM-Index giảm 0,13 điểm tương ứng 0,15%.
Thanh khoản cũng có hẹp hơn so với các phiên trước. Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE hôm nay đạt 980,9 triệu cổ phiếu tương ứng 23.862,44 tỷ đồng; trên HNX là 99,16 triệu cổ phiếu tương ứng 2.209,01 tỷ đồng và trên UPCoM là 36,55 triệu cổ phiếu tương ứng 495,32 tỷ đồng.
Với phần lớn cổ phiếu trên thị trường tiếp tục giảm giá, mặc dù thiệt hại thị trường chung không lớn nhưng hầu hết nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng cổ phiếu lớn trong danh mục đều bị bào mòn giá trị tài sản (NAV) đáng kể.
Trong phiên này, cổ phiếu giảm sàn trên HoSE có 7 mã, phần lớn đều bị bán mạnh do vi phạm công bố thông tin hoặc thông tin xử lý từ cơ quan quản lý.
Chẳng hạn, cổ phiếu SCD của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (chủ thương hiệu Sá xị Chương Dương) bị bán tháo về mức giá 12.100 đồng ngay sau tin sẽ bị HoSE hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp, vốn điều lệ âm.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Nước giải khát Chương Dương cho thấy, trong năm 2023, doanh thu thuần của công ty sụt giảm 25%, đạt hơn 126 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 119 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm gần 12 tỷ đồng.
Cổ phiếu RDP của Rạng Đông Holdings cũng giảm sàn về mức giá 5.860 đồng. Công ty vừa bị HoSE nhắc nhở chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Tương tự, cổ phiếu POM của Pomina tiếp tục mắc kẹt ở mức giá sàn, bị bán tháo do sắp bị hủy niêm yết bắt buộc.
Cổ phiếu EVG của Tập đoàn Everland cũng bị bán mạnh và giảm sàn về mức 5.420 đồng sau khi bị HoSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 9/4 do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoài trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 và 2023).
Nhìn chung, các cổ phiếu trên thị trường có phiên giao dịch không mấy thuận lợi, nhiều mã chuyển trạng thái từ tăng sang giảm, đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng. MBB, ACB, CTG, VIB, STB, LPB, MSB, EIB, TPB, SHB đều có thời điểm tăng giá trong phiên nhưng đều đóng cửa với việc điều chỉnh giảm. STB giảm 1,3% và khớp lệnh gần 30,3 triệu cổ phiếu, một số mã khác được giao dịch sôi động như MBB khớp 27,8 triệu đơn vị, VPB khớp 12,6 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu bất động sản đi ngược thị trường và tăng giá cuối phiên. HAR tăng 4,9%; TCH tăng 4,8%; NTL tăng 4%; LDG tăng 2,7%. Có những mã có giao dịch mạnh như NVL tăng 1,7% và khớp lệnh 47,2 triệu cổ phiếu, TCH khớp 21,9 triệu đơn vị; DXG khớp 26,5 triệu đơn vị.