Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng việc làm thiết thực, cụ thể, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang lan tỏa mô hình hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn đầy ý nghĩa.
Mồ côi cả bố và mẹ, chị em Nguyễn Đình Hữu Phúc (xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) được bà ngoại cưu mang.
Mới 12 tuổi nhưng cậu bé Nguyễn Đình Hữu Phúc ở xã Cẩm Quan đã phải sống trong cảnh côi cút. Bố và mẹ Phúc không may qua đời do bệnh tật, căn nhà nhỏ vốn đầy ắp tiếng cười nay cửa đóng then cài, cỏ mọc tua tủa. Phúc và chị gái được bà ngoại đón về cưu mang.
Không chỉ vậy, cậu bé còn mang trong mình căn bệnh thiếu máu bẩm sinh, teo túi mật, sức khoẻ yếu. Mỗi tháng 1 lần, Phúc phải đi truyền máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Những chi phí cho cuộc sống và thuốc men khiến cuộc sống 3 bà cháu vô cùng chật vật.
Bố mẹ qua đời do ung thư, 2 chị em Bùi Thị Châu và Bùi Thị Hằng ở xã Cẩm Dương phải tự bươn chải với cuộc sống.
Đã mấy năm nay từ khi bố và mẹ qua đời do ung thư, hai chị em Bùi Thị Châu (SN 2007) và Bùi Thị Hằng (SN 2005) ở xã Cẩm Dương đùm bọc nhau sống qua ngày. Mặc dù có sự quan tâm của người thân, đoàn thể địa phương nhưng tất cả cũng không thể khoả lấp nỗi trống vắng và những khó khăn trong cuộc sống của hai chị em. Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, ngoài thời gian học ở Trường THPT Cẩm Xuyên, Hằng phải xin việc làm thêm.
Cùng với Phúc và Châu, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên hiện có hàng trăm trẻ mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ, chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Theo khảo sát của Phòng LĐ-TB&XH huyện, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn có 753 trẻ em mồ côi, trong đó có 23 trẻ mồ côi cả bố và mẹ, 730 trẻ mồ côi bố hoặc mẹ. Ngoài một số trẻ đảm bảo điều kiện sống, trên địa bàn vẫn còn 170 trẻ gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 432 trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn.
Trước thực trạng đó, nhằm bù đắp phần nào những thiệt thòi, mất mát, đảm bảo điều kiện cho trẻ mồ côi sinh sống, học tập, giúp các em trở thành người có ích cho xã hội, huyện Cẩm Xuyên đã vào cuộc huy động nguồn lực xã hội hóa.
Mỗi trẻ được nhận đỡ đầu có một cuốn sổ để theo dõi quá trình đỡ đầu.
Triển khai từ cuối năm 2022 đến nay, toàn huyện đã có 25 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cam kết nhận đỡ đầu 35 trẻ mồ côi. Thời gian đỡ đầu từ 3 – 20 năm; mức đỡ đầu từ 1 – 1,5 triệu đồng/tháng/em.
Ngoài các cơ quan như Huyện ủy, UBND huyện, Cơ quan khối dân, khối các trường học, Công an huyện, Quỹ bảo trợ trẻ em huyện, phong trào đã lan toả và nhận được sự hưởng ứng từ cán bộ, công chức 10 xã, thị trấn và các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn huyện.
Ông Đặng Quốc Hiền – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, đơn vị thường trực Quỹ bảo trợ bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện chia sẻ: “Được sự đồng tình cao của Thường trực Huyện ủy, từ tháng 10/2022, UBND huyện Cẩm Xuyên đã triển khai kế hoạch phát động và xây dựng Quỹ bảo vệ, chăm sóc trẻ em huyện Cẩm Xuyên. Ngoài phát thư ngỏ đến tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, lãnh đạo huyện đã trực tiếp tham gia các đoàn công tác tổ chức gặp mặt, kết nối con em xa quê tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để kêu gọi quỹ.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, quỹ đã kêu gọi được trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện phân bổ trong dự toán ngân sách năm 2023 số tiền 300 triệu đồng để hỗ trợ trẻ mồ côi; số tiền đó được sử dụng để tất cả trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn đều được tặng quà nhân các ngày lễ, tết và khai giảng năm học, tổ chức một số hoạt động và đỡ đầu cho một số trẻ mồ côi”.
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên trao tiền hỗ trợ em Nguyễn Văn Hoàng (xã Cẩm Dương).
Cũng theo ông Hiền, để việc hỗ trợ trẻ mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn đạt ý nghĩa cao nhất, các tổ chức, cá nhân khi nhận hỗ trợ, đỡ đầu trẻ đều phải cam kết về mức hỗ trợ, thời điểm bắt đầu và thời hạn hỗ trợ.
Ngoài hỗ trợ kinh phí, các tổ chức, cá nhân đỡ đầu thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên về điều kiện, tinh thần, nghị lực để các em tu dưỡng, học tập tốt, trở thành công dân có ích.
Bà Nguyễn Thị Thanh – bà ngoại của em Nguyễn Đình Hữu Phúc (xã Cẩm Quan) bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi hoàn cảnh của các cháu được cơ quan, đoàn thể quan tâm hỗ trợ. Từ tháng 1/2023, cơ quan UBND huyện Cẩm Xuyên đã nhận đỡ đầu cháu Phúc và hỗ trợ mỗi tháng 1,5 triệu đồng đến năm 2033. Đây không chỉ là nguồn động viên vật chất mà còn là niềm an ủi tinh thần, giúp cháu có thêm niềm tin để vượt qua khó khăn, vươn lên học giỏi, không phụ tấm lòng của mọi người”.
Với ý nghĩa nhân văn của mô hình và sự ủng hộ từ các tập thể, cá nhân, thời gian tới, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục kêu gọi nguồn lực với mục tiêu cao nhất đảm bảo tất cả trẻ mồ côi gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được đỡ đầu, có thêm nhiều trẻ em được đỡ đầu.
Khối các trường THCS huyện Cẩm Xuyên nhận đỡ đầu 2 chị em mồ côi tại xã Cẩm Mỹ.
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Thành cho biết: “Học Bác về tấm lòng nhân ái, chăm lo cho đời sống của người dân, sau rất nhiều trăn trở, huyện Cẩm Xuyên đã triển khai mô hình đỡ đầu, hỗ trợ trẻ mồ côi khó khăn. Dù mới triển khai nhưng với cách làm bài bản và những cam kết về thời gian đỡ đầu, tin rằng, mô hình sẽ thực sự mang đến những người bố, người mẹ đặc biệt, nâng đỡ các em vượt qua khó khăn. Và mong rằng, về lâu dài, chính các em được đỡ đầu hôm nay khi thành đạt sẽ quay về hỗ trợ các em khác, để tiếp tục nhân rộng, lan toả những giá trị nhân văn, ý nghĩa”.
“Trên địa bàn vẫn còn rất nhiều trẻ mồ côi cần được quan tâm, giúp đỡ, với truyền thống “tương thân – tương ái”, chúng tôi mong rằng, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng hoạt động chia sẻ khó khăn với trẻ em mồ côi huyện nhà” – ông Nguyễn Văn Thành bày tỏ.
Thu Hà