Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt ra nhiều thách thức lớn như tăng nguy cơ thất nghiệp, tạo ra sự phụ thuộc về cảm xúc, dẫn đến các vấn đề về tâm lý lâu dài cho nhiều người. Ngoài ra còn là các nguy cơ về rò rỉ dữ liệu, an ninh…
Công nghệ AI, đặc biệt là Deepfake, ngoài phục vụ mục đích hỗ trợ con người rất nhiều trong cuộc sống, thì cũng là công cụ để một số thành phần sử dụng với mục đích xấu, như lừa đảo, giả mạo, bôi nhọ, thậm chí làm tin giả dạng video.
Cùng với Deepfake, AI còn làm được giọng nói nhân tạo, tạo ra nguy cơ kẻ lừa đảo giả giọng nói để yêu cầu chuyển tiền và những việc làm phi pháp khác.
Mới đây, Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người đã kêu gọi “Các cơ quan quyền con người, phẩm giá và tất cả quyền con người đều đang đối mặt nguy cơ nghiêm trọng. Cần hối thúc mạnh mẽ các chính phủ và doanh nghiệp phát triển nhanh chóng các công cụ bảo vệ hiệu quả trước AI”.
Theo thống kê, tỷ lệ người dùng Internet và tỷ lệ người thường xuyên sử dụng mạng xã hội ở nước ta cao hơn so với tỷ lệ chung của thế giới. Trong đó, tập trung vào những người trẻ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc thích ứng với những tiến bộ mới của công nghệ, mỗi cá nhân, đặc biệt là người trẻ cần phải đề cao tinh thần cảnh giác với những tác hại của trí tuệ nhân tạo có thể gây nên. Các cấp bộ Đoàn, nhà trường cũng cần tăng cường việc trang bị kiến thức để giúp những người trẻ nhận diện các thách thức từ AI, học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ hữu ích cho hoạt động học tập và công tác của mình.