(CLO) PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết, năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đối mặt với 5 rủi ro chính.
Tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025” diễn ra vào sáng 9/1, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phải đối mặt với một số rủi ro nhất định.
Thứ nhất liên quan tới các rủi ro quốc tế. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị trên thế giới đang rất khó lường cộng với cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là với chính quyền mới của Hoa Kỳ, rủi ro kinh tế xã hội quốc tế là hiện hữu nhưng rất khó đoán định.
Thứ hai, rủi ro kinh tế vĩ mô. Năm 2025, nền kinh tế vĩ mô được dự báo ổn định. Vì vậy, thị trường bất động sản, về cơ bản, sẽ ổn định.
“Thông thường, theo chu kỳ 10 năm của thị trường bất động sản, năm 2025 là năm thị trường bất động sản được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô”, PGS.TS Trần Kim Chung nói.
Thứ ba, rủi ro chính sách, cơ chế năm 2025 sẽ không có nhiều. Các chính sách cơ bản đã được thông qua năm 2024, mặc dù còn một số chính sách cần tiếp tục, nhưng cơ bản, sẽ không xuất hiện vào năm 2025. Vì vậy, rủi ro chính sách năm 2025 rất ít.
Thứ tư, rủi ro thị trường. Năm 2025, ngoài những biến động lớn nằm ngoài nền kinh tế Việt Nam, không có nhiều chỉ báo về biến động của thị trường trong nước nên có thể thấy, rủi ro thị trường bất động sản năm 2025 thấp.
Thứ năm, rủi ro đối tác trong năm 2025 không có biến động lớn. Các khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục và vốn (trái phiếu) đã bộc lộ hết. Do đó, những rủi ro đối tác tiềm tàng trong năm 2025 sẽ tối thiểu hóa.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS Trần Kim Chung đưa ra 3 kịch bản của thị trường bất động sản trong năm 2025.
Kịch bản trung tính, thị trường có dấu hiệu tăng nhiệt nhưng không mạnh. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, rõ nét nhất trong bối cảnh cuối năm 2024.
Kịch bản tích cực, thị trường bùng nổ, các phân khúc đều tăng trưởng mạnh mẽ. Dù vậy, kịch bản này sẽ rất ít khả năng xảy ra.
Kịch bản khó khăn, là kịch bản không ai mong muốn nhất, ít có khả năng xảy ra, đó là thị trường đi xuống. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra nếu xuất hiện những yếu tố bên ngoài nền kinh tế.
Trước những tác động bất lợi đối với thị trường bất động sản, PGS.TS Trần Kim Chung kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác thể chế hóa các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, đặc biệt là công cụ thuế và các công cụ tài chính phái sinh.
Đồng thời khẩn trương thông qua Luật Thuế bất động sản. Thứ hai, nghiên cứu hiện thực hóa các công cụ tài chính phái sinh, như chung chia sở hữu, quỹ tiết kiệm tương hỗ, hệ thống tái thế chấp, quỹ đầu tư tín thác bất động sản.
PGS.TS Trần Kim Chung đề nghị hiện thực hóa các cơ chế và đưa vào thực thi cơ chế, như: thu hồi đất phụ cận các công trình hạ tầng đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch tạo vốn phát triển hạ tầng.
Ông Chung cũng kiến nghị có cơ chế dùng ngân sách địa phương đầu tư cho công trình hạ tầng của Trung ương và công trình hạ tầng ngoài tỉnh (trong liên kết vùng)…
PGS.TS Trần Kim Chung cũng đề nghị đồng bộ hóa các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều quan trọng nhất là cần được đồng bộ hóa các quy hoạch và đặt trên nền bản đồ giải thửa.
Ngoài ra, tập trung rà soát, thống nhất, đồng bộ hóa kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng và sản xuất trên địa bàn tỉnh thông qua đồng bộ hóa quy hoạch và kế hoạch triển khai các quy hoạch, từ đó, có chương trình hành động cấp tỉnh về phát triển đô thị, nông thôn và các công trình hạ tầng, các dự án bất động sản.
“Thị trường bất động sản năm 2025 phát triển theo hướng bùng nổ nếu hội tụ cùng lúc thể chế hóa đầy đủ các văn bản liên quan; đồng bộ hóa quy hoạch; tài chính hóa đầy đủ các công cụ phái sinh; số hóa các thông tin thị trường và khu biệt hóa đến thửa công tác quản lý đất đai, bất động sản”, ông Chung nói.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhan-dien-nhung-rui-ro-tac-dong-toi-thi-truong-bat-dong-san-nam-2025-dau-la-rao-can-post329677.html