Chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan đã nhận thực hiện vụ nổ súng đẫm máu ở Thủ đô Moskva, Nga vào tối 22-3. Tình báo Mỹ đã cảnh báo trước về âm mưu tấn công Nga của nhóm này.
Theo tờ New York Times, nhóm nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố này là một nhánh của IS ở Afghanistan có tên “Tỉnh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo”, hay ISIS-K.
ISIS-K được thành lập vào năm 2015 bởi các thành viên bất mãn của Taliban ở Pakistan, những người sau đó theo đuổi một phiên bản Hồi giáo cực đoan bạo lực hơn. Nhóm này chứng kiến hàng ngũ của mình bị cắt giảm gần một nửa, xuống còn khoảng 1.500 – 2.000 chiến binh vào năm 2021, do sự kết hợp giữa làn sóng không kích của Mỹ và các cuộc đột kích của biệt kích Afghanistan khiến nhiều thủ lĩnh của nhóm thiệt mạng.
Nhóm ISIS-K đã gặp phải luồng gió quét thứ hai ngay sau khi Taliban lật đổ Chính phủ Afghanistan vào năm đó. Trong thời gian quân đội Mỹ rút khỏi đất nước, ISIS-K đã thực hiện một vụ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế ở Kabul vào tháng 8-2021, khiến 13 lính Mỹ và 170 thường dân thiệt mạng. ISIS-K được đưa vào tầm chú ý lớn của cộng đồng quốc tế và bị coi là mối đe dọa lớn đối với khả năng cai trị của Taliban.
Từ đó, Taliban đã chiến đấu quyết liệt chống lại ISIS-K ở Afghanistan. Đến nay, các cơ quan an ninh của Taliban đã ngăn chặn nhóm này chiếm giữ lãnh thổ hoặc tuyển mộ số lượng lớn các cựu chiến binh Taliban chán nản trong thời bình – một trong những tình huống xấu nhất đã được đặt ra sau khi Chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn sụp đổ.
Tổng thống Joe Biden và các chỉ huy hàng đầu của ông cho biết, Mỹ sẽ thực hiện các cuộc tấn công “ngoài đường chân trời” từ một căn cứ ở Vịnh Ba Tư chống lại phiến quân ISIS và Qaeda đang đe dọa Mỹ và các lợi ích của họ ở nước ngoài.
Tướng Michael E. Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ, phát biểu trước một ủy ban Hạ viện hôm 21-3 rằng, ISIS-K “vẫn duy trì khả năng và ý chí tấn công các lợi ích của Mỹ và phương Tây ở nước ngoài chỉ trong vòng sáu tháng mà không có dấu hiệu cảnh báo gì nhiều”.
Đầu tháng 3 này, Chính phủ Mỹ đã có thông tin về một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Moskva – có khả năng nhắm vào các cuộc tụ họp lớn, bao gồm cả các buổi hòa nhạc – khiến Bộ Ngoại giao phải đưa ra lời khuyên công khai cho người Mỹ ở Nga. Chính phủ Mỹ cũng chia sẻ thông tin này với chính quyền Nga theo chính sách “nghĩa vụ cảnh báo” lâu nay của nước này.
Các quan chức chống khủng bố ở châu Âu cho biết, trong những tháng gần đây, họ đã dập tắt một số âm mưu mới của ISIS-K nhằm tấn công các mục tiêu ở châu lục này.
Trong một bài đăng trên tài khoản Telegram chính thức của mình vào tháng 1, ISIS-K cho biết, tổ chức này đứng sau vụ đánh bom khiến 84 người thiệt mạng ở Kerman, Iran, trong lễ tưởng niệm Thiếu tướng Qassim Suleimani, một vị tư lệnh đáng kính của Iran, người đã thiệt mạng ở một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào năm 2020.
ISIS-K vốn nhiều lần đe dọa Iran với cáo buộc nước này đa thần và bội giáo, đã nhận trách nhiệm về một số cuộc tấn công trước đó ở Iran.
Và bây giờ nhóm này đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Moskva.
Theo các quan chức chống khủng bố của Mỹ, sau một thời gian tương đối yên tĩnh, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang tìm cách tăng cường các cuộc tấn công từ bên ngoài. Hầu hết những âm mưu đó ở châu Âu đều bị ngăn chặn, khiến người ta đánh giá rằng năng lực của nhóm này đã bị suy giảm.
Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại Soufan Group, một công ty tư vấn an ninh có trụ sở tại New York, cho biết: “ISIS-K đã tập trung vào Nga trong hai năm qua” và thường xuyên chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin trong các hoạt động tuyên truyền của mình.
Cuộc tấn công ngày 22-3 ở Moskva, giống như cuộc tấn công vào tháng 1 ở Iran mà nhóm này đã nhận trách nhiệm, có thể thúc đẩy việc các nước đánh giá lại khả năng tấn công bên ngoài lãnh thổ hoạt động gốc của IS.
Nhiều nước lên án mạnh mẽ vụ tấn công tại Moskva
Chính phủ Cuba và nhiều quốc gia Mỹ Latinh đã lên án vụ tấn công khủng bố tại Trung tâm thương mại Crocus City Hall ở Thủ đô Moskva của Nga tối 22-3.
Thông qua mạng xã hội X, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel lên án hành động khủng bố tàn bạo và gửi lời chia buồn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Liên bang Nga, đặc biệt là gia đình và bạn bè của các nạn nhân.
Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo và Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodríguez cũng lên án hành động khủng bố này.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cực lực lên án “cuộc tấn công vũ trang tàn bạo” nhằm vào dân thường vô tội và khẳng định “hòa bình là con đường duy nhất của loài người”.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega và Phó Tổng thống Rosario Murillo cũng gửi thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó lên án mạnh mẽ tội ác khủng bố gây thiệt hại cho những người vô tội, “nạn nhân của sự thù hận và đối đầu đặc trưng của chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa phátxít”.
Tổng thống Bolivia Luis Arce cực lực lên án vụ tấn công, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết và chia buồn với người dân Nga, Tổng thống Vladimir Putin và gia đình các nạn nhân.
Brazil, Argentina, Mexico, Chile, Colombia và nhiều quốc gia châu Mỹ khác cũng gửi thông điệp tương tự tới Chính phủ và người dân Nga.
Tại châu Âu, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh: “Sự man rợ của vụ thảm sát người dân vô tội tại Moskva là không thể chấp nhận được. Chính phủ Italy kịch liệt lên án hành động khủng bố tàn ác này”.
Bộ Ngoại giao Đức cũng bày tỏ chia buồn với các gia đình nạn nhân và cho rằng cần sớm làm rõ nguyên nhân vụ việc
Theo New York Times