Thông tin lấy từ dữ liệu giao dịch mới nhất do dịch vụ nhắn tin tài chính toàn cầu SWIFT tổng hợp, RT đưa tin.
Theo báo cáo, tỉ trọng của đồng nhân dân tệ là 4,61% giao dịch của tháng 11.2023, tăng từ mức 3,60% trong tháng 10 cùng năm và vượt tỉ trọng của đồng Yên Nhật, vốn giảm từ 3,91% xuống 3,41% trong cùng kỳ.
Giá trị thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong tháng 11.2023 tăng 34,87% so với tháng 10.
Như vậy, tính theo năm, tỉ trọng toàn cầu của đồng nhân dân tệ đã tăng gần gấp đôi. Đồng tiền của Trung Quốc vốn chiếm 2,37% giao dịch vào tháng 11.2022.
Trong khi đó, tỉ trọng của các loại tiền tệ hàng đầu khác trên thế giới đã giảm trong tháng 11.2023, với tỉ trọng của đồng USD giảm từ 47,25% trong tháng 10 xuống 47,08%. Tỉ trọng của đồng euro giảm từ 23,36% xuống 22,95%, trong khi đồng bảng Anh giảm từ 7,33% xuống 7,15%.
Báo cáo của SWIFT cho biết, tỉ trọng của đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới ngày càng tăng phản ánh xu hướng phi USD của Trung Quốc, cũng như những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng bản tệ.
Các nhà kinh tế chỉ ra, Trung Quốc đang thúc đẩy thanh toán bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD trong thương mại với Nga, khu vực Trung Đông và Nam Mỹ.
Nhà kinh tế trưởng Toru Nishihama của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định: “Dường như các quốc gia mới nổi khác cũng đang dùng đồng nhân dân tệ khi nhập khẩu dầu thô của Nga”.
Tháng trước, doanh nhân Nga Oleg Deripaska cho biết, lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Dự kiến chỉ trong vòng 4 năm, thanh toán thương mại xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ sẽ vượt đồng euro.
Kể từ khi các lệnh trừng phạt Nga được áp đặt năm 2022, Nga và các đối tác thương mại đã tăng cường nỗ lực giảm sử dụng các hệ thống tài chính phương Tây, thay đồng USD và đồng euro bằng đồng bản tệ, trong đó có nhân dân tệ của Trung Quốc, rupee của Ấn Độ và dirham của UAE.