Đông Thiên Đức là cái tên gây sốt ở thị trường nhạc Việt thời gian qua với nhiều bản hit ra mắt công chúng. Sức sáng tác của nhạc sĩ này cũng đáng nể với tần suất ra mắt ca khúc mới dày đặc.
Nhanh chóng bị che lấp
Chỉ trong một tháng, nhạc sĩ Đông Thiên Đức có đến 4 ca khúc ra mắt công chúng, gồm: “Nữ nhân ca” (ca sĩ Đinh Hiền Anh), “Tự ta đa tình tự ta đau” (Hoài Lâm), “Lệ phí cuộc đời” (Cao Thái Sơn) và mới nhất là “Lớp trang điểm phai rồi” (Maya).
Đông Thiên Đức sáng tác nhiều năm trước nhưng chỉ trở thành “hiện tượng mạng” khi liên tiếp sở hữu các bản hit như “Ngày mai người ta lấy chồng”, “Đâu ai chung tình được mãi”… và được nhiều ca sĩ săn đón. Ca khúc của Đông Thiên Đức phần lớn mang giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe, hầu hết đạt hàng triệu đến hàng chục triệu lượt xem, nghe trên mạng xã hội YouTube và các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.
Nguyễn Minh Cường một thời cũng được săn đón như Đông Thiên Đức. Bởi lẽ, Nguyễn Minh Cường sở hữu khá nhiều bản hit. Những bản hit có thể kể đến như ca khúc “Cả một trời thương nhớ” với giọng ca Hồ Ngọc Hà, “Hoa nở không màu”, “Buồn làm chi em ơi” do Hoài Lâm thể hiện.
Hứa Kim Tuyền cũng có giai đoạn phủ sóng làng nhạc Việt với loạt ca khúc như “Nếu một mai tôi bay lên trời”, “Em là châu báu”, “Về nghe mẹ ru”, “Hương”…
Ngoài ra, những cái tên DTAP, Phan Mạnh Quỳnh, Khắc Hưng, Tăng Nhật Tuệ… từng có giai đoạn là những cái tên quen thuộc trong làng nhạc. Họ không chỉ sản xuất ca khúc đơn lẻ mà còn ra album.
Sự nổi tiếng của một nhạc sĩ phụ thuộc vào độ hit của một ca khúc. Đó gần như là một quy tắc “bất di bất dịch” của thị trường nhạc Việt từ xưa đến nay. Điều đó đồng nghĩa một nhạc sĩ sở hữu càng nhiều bản hit thì độ nổi tiếng càng lớn. Tất nhiên, sự đánh giá độ nổi tiếng của nhạc sĩ xưa và nay có khác nhau, phụ thuộc vào sở thích có phần khác biệt của đối tượng khán giả xưa và nay. Nếu xưa nhạc sĩ nổi tiếng bằng phong cách sáng tác thì nhạc sĩ nay nổi tiếng bằng những bản hit được đo, đếm trên thị trường.
Không thể phủ nhận sự sáng tạo của những nhạc sĩ trẻ khi tiệm cận với xu hướng chung của âm nhạc thế giới và cả sự mới mẻ, khiến cho nhạc Việt đã có sự thay đổi đáng kể. Không khó để thấy sự “đổi ngôi” nhanh chóng của các nhạc sĩ trẻ trên thị trường âm nhạc. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi âm nhạc được sản xuất theo xu hướng thời trang. Ca khúc nào trở thành hit thì mặc nhiên người sáng tác cũng trở nên nổi tiếng hơn. Nhưng khi có một ca khúc hit khác xuất hiện thì người từng là hiện tượng cũng nhanh chóng bị che lấp bởi tên tuổi khác. Đó gần như là quy luật hiển nhiên và giới sáng tác trẻ cũng không mấy “nặng lòng” về điều này.
Phải biết tự nâng cấp bản thân
Âm nhạc của hiện tại khó có thể nằm ngoài quy luật thời trang, như cách vận hành của guồng quay âm nhạc thế giới hiện nay. Tuy nhiên, để tuổi thọ của một ca khúc không bị sở thích của người nghe định đoạt, người sáng tác trẻ cần tính đến những bài toán định hình phong cách sáng tác thay vì chỉ chạy theo xu hướng.
“Tính nghệ thuật cao” là sự khác biệt rất lớn trong những bản hit xưa và hiện tại. Điều đó cũng đồng nghĩa nhiều nhạc sĩ xưa trở nên nổi tiếng bởi phong cách sáng tác được định hình một cách khác biệt. Dù với phong cách nào, các ca khúc đều được sáng tác dựa trên tính nghệ thuật. Trong khi đó, hầu hết ca khúc của hiện tại thiên về chất giải trí. Sẽ khập khiễng nếu dùng giá trị xưa để đánh giá, so sánh với hiện tại nhưng rõ ràng một tác phẩm văn nghệ nhất thiết phải đọng lại chất suy tư, ca từ phải giàu hình ảnh. Tựu trung là chất thơ trong sáng tác chứ không thể bê nguyên xi sự thật trần trụi vào âm nhạc như cách mà nhiều bạn trẻ vẫn làm hiện nay. Chia tay, ủy mị cũng phải đẹp, phải thơ chứ không chỉ là sự xỉ vả, báng bổ nhau.
Nhạc sĩ Tiến Luân bày tỏ: “Các ca khúc ngày nay được sáng tác để chiều lòng người nghe. Và điều gì cũng có hai mặt. Dễ đến với công chúng thì cũng dễ bị lãng quên. Do vậy, nhiều ca khúc có tuổi thọ ngắn cũng là điều đương nhiên”.
Những người sáng tác trẻ cũng có những cái khó của họ. Hầu hết đều nhận thức được rằng một ca khúc mang tính thời trang, giải trí thì cũng nhanh chóng bị lãng quên. Nhưng bài toán kinh tế cũng khiến không ít người trẻ “đau đầu”. Một số nhạc sĩ chọn cách tận dụng cơ hội, sáng tác cấp tập khi “thời tới” và chấp nhận việc sớm bị lãng quên.
Theo nhạc sĩ Giáng Son, độ bền của một tác giả phụ thuộc nhiều vào nền tảng kiến thức của chính họ. Người trẻ có sự nhiệt huyết, có năng khiếu nhưng đôi khi hơi vội. Khi đã có sản phẩm thành công, cộng với khả năng sáng tác nhanh, họ dễ bị rập khuôn, trong khi thị trường luôn thay đổi, khán giả luôn đòi hỏi cái mới. Chưa kể, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển, hỗ trợ nhiều cho việc sáng tác nên nếu lạm dụng, dễ cho ra đời những ca khúc na ná nhau, thiếu bản sắc.
“Công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp công việc của nhạc sĩ thuận lợi hơn nhưng công nghệ không có tâm hồn, mà ca khúc không có hồn thì không thể lay động được người nghe. Muốn có cảm xúc đẹp, nhạc sĩ phải trau dồi vốn sống, không nên bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ” – nhạc sĩ Giáng Son nói.
Theo các nhà chuyên môn, nhạc sĩ trẻ cần tính đến bài toán nâng cấp chính mình thông qua tư duy sáng tạo. Làm nghệ thuật là định hướng chứ không thể đi theo phục vụ sở thích của người khác.
Nguồn: https://nld.com.vn/nhac-thoi-trang-som-no-chong-tan-196240807200634609.htm