Thư gửi người trẻ
Họ ngồi đó, trong vùng thời gian tựa hồ đã phẳng lặng. Này đồi mồi, đuôi mắt chân chim, đến cả giọng nói cũng trầm thật trầm; cùng nhau kể về hồi ức hai mươi yêu dấu.
Dù dạng nào, phỏng vấn, tự bạch hay ghi chép, những tâm tình, gửi gắm của họ cũng giống như những bức thư tình dành cho quê hương và các bạn trẻ.
Nhạc sĩ Dương Thụ gửi bức thư tới người trẻ.
Thân phận, nhận hay chối bỏ
Năm 12 tuổi, trước ngày tiếp quản thủ đô (10-10-1954), ông cụ tôi vì muốn được là người dân sống trong vùng tự do nên đưa mẹ tôi và tôi về quê (Vân Đình) lúc ấy đã là vùng giải phóng. Hơn một năm sau, gia đình bị quy địa chủ (vì ông bà tôi có nhiều ruộng) nên cuộc sống rất khó khăn.
Là con cái địa chủ bị buộc phải cải tạo lao động, tôi từng kéo bừa thay trâu, đào mương, cuốc đất, đắp bờ, xúc cá, mò cua bắt ốc như những người dân quê khác.
Thiếu ăn, lại lao lực nên người như cò hương.
Điều kỳ lạ là khi làm việc nặng nhọc, tôi lại cảm thấy thích thú.
Được tiếp xúc với người dân nghèo chân chất, gắn với đồng ruộng, đầm mình với bùn đất, ngửi thấy mùi cỏ dại, mùi lúa lên đòng và cái nồng nàn của mùa hè nơi đồng chiêm trũng đã làm tôi vơi đi những khổ nhục mà gia đình tôi phải hứng chịu.
Sinh ra trong một gia đình chịu nhiều thiệt thòi nhưng phận mình là thế. Tôi nhận lấy như một lẽ tự nhiên, như mùa đông không có áo ấm để mặc thì phải chịu rét thôi.
Tự thay đổi chứ không phải bị thay đổi để thích nghi là điều tốt. Tôi nghĩ chúng ta có cuộc sống của mình, thân thể của mình, năm giác quan để sống, để tiếp nhận. Không sống hộ, không sống nhờ, không sống theo cái người khác muốn.
Chúng ta có một cái tên, chứ không định danh bằng một mã số. Chấp nhận phận mình vì cuộc sống là thế, chứ không chấp nhận vì phải chối bỏ mình.
“Sức sống quan trọng hơn tuổi tác. Tôi rất thích tựa đề tiểu thuyết của anh Nguyễn Huy Thiệp: “Tuổi 20 yêu dấu”. “Tuổi 20 yêu dấu” chính là “tuổi – 20 – tôi”, hay quá. “Tuổi – 20 – tôi” (kéo dài tới năm 74 tuổi) thì “vui ít buồn nhiều”, nhưng cái vui, buồn, tủi nhục của “tuổi – 20 – tôi” lại định vị tôi, đặt cho tôi một cái tên: Dương Thụ”.
Nhạc sĩ Dương Thụ
Bị thương nhưng không để sẹo
Nghe những bài hát của tôi, không ai nghĩ tôi lại sống khốn khó đến vậy. Năm 1970, khi làm chủ nhiệm khoa văn sử của Trường Sư phạm tỉnh Tuyên Quang, do bênh vực các giáo sinh nữ để kết tội một đảng viên cấp ủy cộng với việc bênh vực bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần và tập thơ Cửa mở của Việt Phương, tôi bị đình chỉ công tác, phải khăn gói về xã Tu Lý ở tỉnh Hòa Bình dưới danh nghĩa vừa học vừa làm, nhưng thực chất là đi chăn bò.
Tôi trong sạch, chẳng làm gì sai nên chăn bò cũng vui, có thì giờ mang cặp giấy để vẽ thực cảnh, vẽ thuốc nước thôi mà cũng rung động lắm.
Năm 1977, ông Nguyễn Phước Sanh xin tôi vào làm giảng dạy văn học và mỹ học cho Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM nơi ông làm giám đốc.
Ba năm sau, tôi bỏ việc để theo âm nhạc chuyên nghiệp. Sau đó bị mang tiếng là thương mại hóa âm nhạc để rồi gặp nhiều rắc rối, tôi cũng không oán hận gì. Vẫn viết Lắng nghe mùa xuân về, vẫn “con chim bồ câu bé nhỏ, bay qua vùng trời, vùng trời mùa xuân” (bài Hơi thở mùa xuân).
Mùa xuân nào có về với tôi? Làm gì có tia nắng nào long lanh ngoài ô cửa. Đó chỉ là giấc mơ của một kẻ tin, yêu, khao khát và mơ mộng. Giấc mơ ấy chính là sự chữa lành để cuộc đời tôi dù có nhiều vết thương nhưng nó đã không để lại sẹo.
Khôn dại và khôn ngoan
Năm 1965, do mải mê tập piano hơn vào thư viện đọc sách chuẩn bị cho việc giảng dạy tại khoa văn Trường đại học Sư phạm, tôi bị kỷ luật, phải chuyển lên miền núi dạy cấp III.
Vì từ bé gia đình luôn coi tôi là đứa khờ khạo nên khi đi, mẹ tôi cũng theo để “trông nom”. Hôm ra mắt, bà nói với hiệu trưởng: “Thụ nó còn khờ dại lắm, nhờ các anh giúp đỡ cho”. Tôi nghe mà ngượng chín cả người. Tới bây giờ, trong “từ điển” của tôi không có chữ khôn khéo, khôn ngoan.
Năm 2013, trong bài Lựa chọn để trở thành chính mình (báo Sinh Viên số Tết), tôi viết:
“Một khi bị phụ thuộc quá nhiều vào cảnh ngộ, vào những yếu tố ngoài mình, bạn muốn sống an toàn, sợ thất bại, sợ thiệt thòi, sợ mất mát, mong chờ vào những chỉ dẫn của người khác, của kinh nghiệm, ắt bạn sẽ có những lựa chọn mà ta thường gọi là “khôn ngoan”.
Khôn ngoan quá thành ra không dám sống, nên bạn sẽ không thể biết mình là ai.
Việc không biết mình là ai sẽ dẫn đến hệ quả nghiêm trọng là bạn không tự tại. Người không tự tại là người – đám – đông, sống a dua phong trào, tiêu phí năng lượng vào những chuyện không đáng có.
Những người như thế tôi gọi là những kẻ – nhầm – chỗ. Họ luôn ngồi vào chỗ không phải của mình, cầm vật không phải của mình, nói những lời không phải của mình. Điều đó với một số người chưa hẳn đã là bi kịch, nhưng với một kẻ tự trọng muốn được làm người tử tế thì đó là một sự xấu hổ, một “nỗi nhục thầm kín”.
Rõ ràng “khôn quá hóa dại” bởi cái dại nhất của một con người, với tôi là đánh mất mình. Cái “mình” rất quan trọng vì nó chính là cái lý ra ta phải trở thành, nó định danh ta, không phải là danh hão, danh mượn, danh mua bằng quan hệ, tiền bạc.
Nền tảng để trở thành
Những bài hát lần lượt được “đẻ” ra trong hơn nửa thế kỷ không phải là những ngẫu hứng vu vơ, những bản ghi của lý trí, nó là sự sống hóa thân.
Nó là chính mình, cái mình bắt đầu tìm kiếm từ lúc còn rất trẻ qua những năm tháng khốn khó, bất hạnh, qua việc đọc văn, nghe nhạc, xem tranh, học vẽ, học đàn chăm chỉ, mê say.
Trong đói khổ tôi vẫn mơ được sống với âm nhạc, văn chương. Tôi học piano với chị Thái Thị Sâm ở Âm nhạc học xá của cụ Lưu Quang Duyệt, nghe nhạc cổ điển ở nhà anh Diệp phố Hàng Gai, vào Thư viện quốc gia đọc văn học cổ điển.
Đó là “căn hầm trú ẩn” an toàn nhất cho tâm hồn tôi hồi đó. Trước đó, tôi còn học mỹ thuật ở Trường mỹ thuật dân lập Đinh Minh phố Hàng Trống, vào lớp vẽ buổi tối của họa sĩ Nguyễn Thị Khang.
Những năm tháng ấy, nghệ thuật đã cho tôi lòng tin yêu vào con người, cuộc sống và cái đẹp. Nó giữ cho tôi sự ngây thơ, trong sáng và hơn cả là cho tôi nền tảng để trở thành.
Bây giờ biển mùa đông | Sáng tác: Dương Thụ, Ca sĩ: Thanh Lam
Các bạn có thể không giống tôi về cái sẽ trở thành, nhưng trong chiều sâu nhất của mỗi con người luôn ẩn giấu giấc mơ để trở thành một cái gì đó.
Dù gì thì cũng phải bắt đầu bằng việc dấn thân, bằng việc đọc – xem – nghe – học, đủ cho một người được gọi là tử tế, văn minh. Các bạn sẽ thành công, không thì cũng thành nhân. Với tôi, thành nhân quan trọng hơn.
Trên bìa bộ đĩa than Dương Thụ, 80 năm một giấc mơ, tôi viết:
“Năm lên 9 tuổi, tôi nhìn thấy biển, năm 16 tôi nhìn thấy em nên đã chớm biết cái rộng, cái xa, cái không thể chạm tới. Thế mà tôi vẫn hát mãi giấc mơ về nó.
Sống mùa đông và biết chắc mình chỉ có thể ở lại mùa đông lại hát về mùa xuân. Sống trong con hẻm chật chội lại hát về biển rộng.
Ngoài 40 tuổi chẳng có một mối tình thật sự nào, vẫn chưa bao giờ chạm được vào bàn tay em lại luôn hát về tình yêu trong sáng.
Đó là một nghịch lý và cái nghịch lý ấy đã tạo thành tôi, đã sinh ra những bài hát mà tôi viết trong hơn nửa thế kỷ sống. Những bài hát của tôi đượm buồm nhưng nó chính lại là sự mạnh mẽ mà một người đàn ông như tôi có thể có được”.
Lời tự bạch đó, tôi xin gửi lại các bạn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhac-si-duong-thu-viet-thu-gui-nguoi-tre-20240831104234845.htm