Tìm hiểu giá trị Tác phẩm về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
07:58, 08/05/2023
Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ chứa đựng nhiều giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn khẳng định những yêu cầu, đòi hỏi không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất của người cộng sản, đó là: có mục tiêu, lý tưởng cao đẹp; lập trường tư tưởng vững vàng; đạo đức cách mạng trong sáng và tính nhân văn, tình đồng chí sâu sắc.
Mục tiêu, lý tưởng cao cả của người cộng sản là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng một xã hội tất cả vì con người. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Tất nhiên, một xã hội tốt đẹp không bao giờ tự xuất hiện nếu không có sự đấu tranh không ngừng nghỉ chống lại các tiêu cực cản trở sự phát triển. Một trong những trở lực đó chính là nạn tham nhũng. Tham nhũng là “giặc nội xâm”, không chỉ đục khoét tài sản, của cải của Nhà nước và nhân dân; nguy hiểm hơn, nó làm cho niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ bị giảm sút, thậm chí đổ vỡ và cuối cùng là sụp đổ. Bao nhiêu chế độ chính trị trong thế giới đương đại đã sụp đổ vì tham nhũng và không biết bao nhiêu người dân của các quốc gia đói khổ cũng vì tham nhũng.
Các đại biểu tham gia học tập, nghiên cứu, quán triệt nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: Duy Tiến |
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một quá trình gay go, phức tạp, không thể một sớm, một chiều, một nhiệm kỳ là xong, rất lâu dài mới đạt được mục tiêu là ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tham nhũng; do đó đòi hỏi không chỉ kiên quyết mà còn kiên trì, người cộng sản phải có lập trường tư tưởng vững vàng, không hoang mang, dao động, nhụt ý chí trước các khó khăn, cám dỗ. Hoang mang, dao động không chỉ tác động tiêu cực đến cuộc đấu tranh mà còn là điểm yếu để các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xử lý nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao do tham nhũng, gục ngã trước những cám dỗ mà quên đi mục tiêu, lý tưởng của người đảng viên mà khi đứng vào hàng ngũ của Đảng bản thân đã tuyên thệ. Cũng có những cán bộ, đảng viên không tham nhũng nhưng đứng trước cuộc chiến phòng, chống tham nhũng đã xuất hiện tư tưởng hoang mang, dao động, sợ sai, sợ trách nhiệm, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử. Điều đó há chăng chẳng phải là tiêu cực nên cũng phải chống. Chống tham nhũng gắn với cả chống tiêu cực thì công cuộc “đốt lò” mới thành công. Vì tham nhũng là tiêu cực và tiêu cực làm mất động lực, cũng như là trở lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tại nhiều hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc lại câu nói trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nhi-cô-lai Ốt-xtơrốp-xki: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”.
Một trong những giá trị to lớn, trường tồn của Học thuyết Mác – Lênin là tính nhân văn sâu sắc, triệt để. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được. Điều lệ Đảng cũng khẳng định phải thương yêu đồng chí. Thương yêu đồng chí còn đứng trước cả kỷ luật nghiêm minh… Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đã từng phát biểu: Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí của mình mà rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người. Hay như, ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi, như thế là tốt nhất… Tính nhân văn, tình đồng chí suy xét một cách sâu sắc, toàn diện đâu chỉ có yêu thương, động viên, khích lệ cái tốt, cái ưu điểm mà còn chỉ ra cái khiếm khuyết, thiếu sót mà khắc phục, sửa chữa.
Tác phẩm không chỉ góp phần làm sáng rõ quá trình phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và của đồng chí Tổng Bí thư trong cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực; đúc rút những bài học kinh nghiệm và đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp; sự nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ; sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân, chính khách, bạn bè quốc tế đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; mà còn nhắc nhở việc gìn giữ, trui rèn phẩm chất, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước vận mệnh của Đảng, đất nước và dân tộc.
Lương Hữu Nam