Trong số các loại cây ăn trái thì sầu riêng được xem là cây trồng khá mẫn cảm với mặn. Vì vậy nhà vườn trồng sầu riêng rất cẩn thận trong việc chăm sóc, bảo vệ vườn cây trong thời điểm mùa khô và xâm nhập mặn. Là nhà vườn canh tác sầu riêng với diện tích lớn, ông Huỳnh Thanh Lễ, Ấp 5, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách chia sẻ: "Vườn sầu riêng 4ha của tôi trồng đã bước sang năm thứ 7, chỉ mới thu hoạch được vài vụ trái vì trồng 5 năm sầu riêng mới ra trái. Do sầu riêng cho giá trị kinh tế cao nên tôi rất quan tâm đến quá trình sinh trưởng của cây, nhất là nguồn nước tưới cho cây phải luôn đảm bảo liên tục và tránh mặn tuyệt đối. Vào đầu các tháng mùa khô, tôi tiến hành rà soát hệ thống cống, bọng quanh vườn xem có bị rò rỉ nước vào vườn hay bọng bị hư hỏng sẽ sửa chữa, thay mới ngay. Tôi còn thực hiện phương án dự trữ nước ngọt trong ao, dành tưới cho vườn cây nếu mặn kéo dài liên tục".
Để có thông tin về độ mặn chính xác, ông Lễ thường cập nhật thông tin truyền tải của ngành chuyên môn thông qua tin nhắn hằng ngày trên Zalo, Facebook. Nhờ luôn chủ động ứng phó, phòng chống hạn, mặn nên nhiều năm qua, vườn cây sầu riêng của ông Lễ luôn phát triển xanh tốt, cây cho trái năng suất cao.
Anh Nguyễn Giang Tính, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bảo vệ tốt vườn mít ruột đỏ xơ vàng, tránh hạn, mặn. Ảnh: THÚY LIỄU |
Ngoài cây sầu riêng thì cây mít cũng là loại cây trồng mẫn cảm với nước mặn. Khi nhà vườn trồng mít, việc đầu tiên hộ quan tâm nhất là nguồn nước cung cấp phải luôn ngọt tuyệt đối. Để bảo vệ vườn mít ruột đỏ xơ vàng của mình, anh Nguyễn Giang Tính, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách chia sẻ kinh nghiệm: "Vườn mít ruột đỏ xơ vàng 1ha của gia đình tôi đã trồng được hơn 2 năm, mít đang giai đoạn cho đợt trái đầu tiên nên việc giữ cho vườn cây không bị ảnh hưởng mặn rất quan trọng. Vì vậy ngay từ đầu tháng 11 âm lịch năm 2024, tôi theo dõi sát tình hình diễn biến mặn trên các sông, kênh rạch dẫn nước vào tưới cho vườn mít. Để bảo vệ vườn mít trong những ngày nắng nóng tránh mặn hiệu quả, tôi thường thực hiện việc đo độ mặn ở kênh đầu nguồn lấy nước vào ao vườn và trước khi tưới nước cho mít, tôi cũng đo độ mặn luôn trong ao nước, nhờ đó trong các năm qua vườn mít không bị ảnh hưởng của nước mặn".
Theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nắng nóng trong tháng 3 xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, từ tháng 2 - 4/2025 xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh, sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020.
Đồng chí Trần Văn Toàn - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách cho biết, dựa trên dự báo của ngành chuyên môn và các văn bản hướng dẫn của tỉnh, nông dân sản xuất nông nghiệp, nhất là các nhà vườn trồng cây ăn trái phải hết sức thận trọng trong việc ứng phó mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái; thường xuyên kiểm tra hệ thống các ao, mương chứa nước trong vườn và cập nhật tình hình hạn, mặn trên các trang Zalo, Facebook được địa phương lập ra để cung cấp việc đo độ mặn từng giờ đến hộ dân, kịp thời chọn thời điểm lấy nước tưới cho vườn cây ăn trái. Về chuyên môn, khuyến cáo nông dân tăng cường cung cấp các loại phân bón cần thiết cho vườn cây trong thời điểm hạn, mặn, sử dụng các ao, mương vườn sẵn sàng dự trữ nước ngọt để tưới cho cây trồng nếu mặn xảy ra thời gian dài…
THÚY LIỄU
Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202503/nha-vuon-huyen-ke-sach-bao-ve-vuon-cay-an-trai-trong-mua-han-man-2485eb5/
Bình luận (0)