Hiện nay, tại Bình Thuận đang trồng phổ biến 2 loại thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ. Trong đó, thanh long ruột trắng chiếm số lượng nhiều hơn. Thời điểm vụ nghịch kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Trong vụ nghịch này, các nhà vườn áp dụng kỹ thuật chong đèn và chăm sóc để thanh long ra trái theo ý muốn.
Như trang trại thanh long ruột đỏ hơn 10 ha của chị Bé tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận được phân thành nhiều khu vực. Trong đó, thời điểm này nhiều nhất là thanh long ra trái xanh và được chăm sóc theo đúng quy trình.
Những tháng vừa qua, thời tiết tại Bình Thuận có nắng gắt, kèm với đó là mưa bão thất thường đã ảnh hưởng đến việc chăm sóc thanh long.
Qua đó, đòi hỏi người chăm sóc phải có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm ở các giai đoạn chong đèn, đậu trái,… Anh Nguyễn Minh Quốc, là quản lý trang trại thanh long này và cũng là người nắm các kĩ thuật trồng thanh long chia sẻ, về đặc tính thời tiết khu vực là nắng nóng, nên cần nhiều nước tưới cho cây thanh long, còn về kỹ thuật chong đèn cho thanh long ruột đỏ cũng giống như thanh long ruột trắng.
“Mùa này mưa gió, nắng và có tắc kè, các tác nhân gây hại cho trái nên mình phải thường xuyên kiểm tra vườn để có hướng xử lý”, anh Quốc chia sẻ thêm.
Thông thường, vụ nghịch thì thanh long bán được giá cao hơn so với vụ thuận bởi số lượng ít hơn. Do đó, người trồng thanh long Bình Thuận kì vọng giá bán thanh long sẽ như mong đợi khi thu hoạch.
Bình Thuận được biết đến là một trong những vùng trồng nhiều thanh long nhất cả nước, với diện tích gần 30.000ha. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, thanh long Bình Thuận được xuất khẩu chính ngạch và biên mậu qua nhiều nước.