Ngày 15/9, Nhà vua Abdullah II của Jordan đã bổ nhiệm ông Jaafar Hassan, 56 tuổi, làm Thủ tướng mới thay thế ông Bicher Khasawneh đã từ chức trong cùng ngày.
Nhà vua Jordan chỉ định ông Jafar Hassan làm Thủ tướng và yêu cầu thành lập nội các mới. (Nguồn: Barrons) |
Trong chỉ thị, Nhà vua yêu cầu tân Thủ tướng thành lập nội các mới, tập trung hỗ trợ người Palestine và bảo vệ quyền lợi của họ. Ông cũng kêu gọi nỗ lực ngoại giao để chấm dứt xung đột ở Gaza và các vi phạm luật pháp quốc tế.
Trước đó, cùng ngày, Nhà vua Abdullah II đã chấp nhận đơn từ chức của chính phủ do Thủ tướng Bisher Khasawneh lãnh đạo, tuy nhiên vẫn yêu cầu ông Khasawneh điều hành chính phủ lâm thời cho tới khi thành lập được nội các mới.
Ông Jafar Hassan có bằng Tiến sĩ Khoa học chính trị và Kinh tế quốc tế từ Viện sau Đại học Nghiên cứu quốc tế và phát triển Geneva (Thụy Sỹ), có bằng sau đại học của Trường Harvard Kennedy.
Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và hợp tác quốc tế, sau đó giữ chức Chánh Văn phòng của Nhà vua Abdullah và là tác giả của cuốn sách về Kinh tế chính trị Jordan, được xuất bản bằng tiếng Arab vào năm 2020
Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế và được giao nhiệm vụ thực hiện các cải cách để cắt giảm nợ công. Năm 2021, ông được bổ nhiệm lại làm Chánh Văn phòng của Nhà vua Abdullah II .
Theo Hiến pháp Jordan, hầu hết quyền lực nằm trong tay Nhà vua, với việc bổ nhiệm chính phủ và có thể giải tán quốc hội. Quốc hội Jordan có thể buộc nội các từ chức bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm. Theo thông lệ, nội các thường giải thể sau cuộc bầu cử quốc hội.
Hãng tin AFP cho hay, quyết định trên được đưa ra sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10/9, trong đó đảng đối lập Mặt trận hành động Hồi giáo (FAI) giành chiến thắng.
Cuộc bầu cử tại Jordan diễn ra trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và xung đột tại Gaza, FAI, cánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo – phong trào Hồi giáo lâu đời nhất, có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arab – giành được 31 trong tổng số 138 ghế Quốc hội.
Việc giành được số ghế này là kết quả mang tính lịch sử đối với IAF và là sự đại diện lớn nhất của tổ chức này, kể từ khi giành được 22 trong số 80 ghế trong Quốc hội Jordan vào năm 1989. Trong cuộc bầu cử năm 2020, IAF chỉ giành được 10 ghế.
Xung đột ở Gaza đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại Jordan, nơi gần một nửa dân số có nguồn gốc Palestine. Nhiều cuộc biểu tình đòi hủy bỏ hiệp ước hòa bình với Israel ký năm 1994. Xung đột cũng gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Jordan, đặc biệt là ngành du lịch.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Jordan là 21% trong quý I/2024. Quốc gia này phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nha-vua-jordan-chi-dinh-thu-tuong-moi-286463.html