Al St. Germain, nhà tư vấn ngành hàng không từng làm việc cho các hãng hàng không bao gồm Delta và United của Mỹ, cho biết trên CNN: “Với hầu hết mọi thứ trên máy bay, bạn sẽ nhận ra nó tốn bao nhiêu công sức từ góc độ kỹ thuật, thậm chí chỉ là một bữa ăn. Mọi thứ trên máy bay khó gấp đôi so với trên mặt đất”.
Không sử dụng nước
Việc sử dụng nước để xả nhà vệ sinh trên máy bay là điều không nên làm vì hạn chế về trọng lượng của máy bay. Không có vấn đề gì vì thay vào đó, máy bay sử dụng không khí.
Hệ thống sục rửa tiêu chuẩn (standard evac) sử dụng áp suất không khí chênh lệch để làm sạch bồn, theo một thiết kế được cấp bằng sáng chế ban đầu bởi James Kemper vào năm 1975.
Thùng chứa chất thải – nơi mọi thứ đi xuống nhà vệ sinh – thường được đặt ở phía sau máy bay và cũng có khi ở phía trước.
Khi bạn nhấn nút xả, một van sẽ mở ra ở đáy bồn cầu, nối nó với đường ống bên dưới. Đường ống này – và bể chứa chất thải – chịu áp lực, điều đó có nghĩa là việc mở van sẽ tạo ra chân không hút những gì có trong bồn.
Nigel Jones, chuyên gia kỹ thuật máy bay từ Đại học Kingston ở London, người cũng là thành viên của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Vương quốc Anh, cho biết: “Nó giống như máy hút bụi. Khi bạn nhấn nút, van sẽ mở ra và ngay khi van mở ra, lực hút sẽ hút hết mọi thứ ra ngoài. Sau đó van đóng lại”.
Jones nói, hiệu ứng chân không đó diễn ra liên tục khi máy bay đang ở trên không, chúng ta chỉ không nghe thấy nó cho đến khi mở van và kết nối bồn với hệ thống. Tuy nhiên, khi máy bay ở trên mặt đất, không có sự chênh lệch áp suất – có nghĩa là việc xả bồn được vận hành bằng một máy bơm, tạo ra chân không trong bể. Khi máy bay bay lên không trung và chênh lệch áp suất bên trong tăng lên, chân không hình thành một cách tự nhiên và máy bơm dừng lại. Áp suất chênh lệch sẽ xóa sạch mọi thứ một cách nhanh chóng”.
Các hãng hàng không chọn số lượng nhà vệ sinh họ muốn trên máy bay. Jones nói rằng có số lượng tối thiểu cho mỗi máy bay, tùy thuộc vào kích cỡ, nhưng các hãng hàng không có thể vượt quá số lượng đó nếu muốn.
Có xả ra bầu khí quyển?
Tất nhiên, một thùng chứa đầy cần phải được làm trống và là lúc “những toa xe” xuất hiện. Đây là những phương tiện phục vụ sân bay có nhiệm vụ đổ thùng chứa và vận chuyển đi xử lý trong khuôn viên sân bay.
Đó là một quá trình được phát triển kỹ thuật với 50 năm lịch sử. Jamco, một công ty Nhật Bản hiện chiếm 50% thị phần nhà vệ sinh máy bay, đã vượt qua các ranh giới kỹ thuật để xây dựng các bồn rửa vệ sinh trên máy bay. Họ cũng là những người đầu tiên giới thiệu vòi và vòi xả không chạm hợp vệ sinh trên máy bay Boeing 787.
Jones cho biết máy bay chưa bao giờ cố tình thải chất thải nhà vệ sinh vào khí quyển, kể cả ngày xưa. Nhưng nếu rò rỉ xảy ra trong đường ống xả, vì nhiệt độ giữa không khí thấp hơn nhiều so với mức đóng băng, bất kỳ chất lỏng nào chảy ra sẽ tự động đóng băng, trong ngành gọi là “băng xanh”.
Từ những năm 1980, luật cấm cất cánh khi hệ thống nhà vệ sinh của máy bay bị rò rỉ được áp dụng.
Tuy nhiên, tai nạn vẫn xảy ra vào năm 2021, người dân gần sân bay Heathrow ở London đã bị “đổ” phân. Tệ hơn nữa, nó thậm chí còn không bị đóng băng vì máy bay ở gần mặt đất và không ở nhiệt độ đóng băng. May mắn thay, đó là trường hợp hiếm khi xảy ra.
Tuy nhiên, nhà vệ sinh bị tắc trên máy bay lại diễn ra thường xuyên do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc hành khách bỏ vật dụng vì tò mò muốn xem liệu nó có tụt xuống hay không.
Tưởng chừng đó như là một thử nghiệm vô hại nhưng lại có thể khiến chuyến bay bị hoãn và tốn kém xử lý bởi có rất nhiều đường ống và phải được phá bỏ để tìm ra điểm tắc nghẽn. Nếu có một hoặc hai nhà vệ sinh bị tắc, máy bay sẽ phải hạ cánh vì cần có một số nhà vệ sinh nhất định cho hành khách.