Nhà văn Võ Huy Tâm sinh năm 1926 tại Nam Định, nhưng cả đời gắn bó và thành danh ở Quảng Ninh. Với tiểu thuyết “Vùng mỏ”, ông là người đặt nền móng cho văn xuôi Quảng Ninh viết về công nhân mỏ. Đối với văn học Quảng Ninh, ông có một vị trí đặc biệt không thể thay thế. Nhiều người biết đến ông, nhưng ít người biết nhà văn đã viết tiểu thuyết nổi tiếng “Vùng mỏ” như thế nào.
Trên báo Văn nghệ số 45, phát hành tháng 11/1953, nhà văn Võ Huy Tâm có bài “Tự thuật viết Vùng mỏ”. Nhà văn kể rằng ông mồ côi cha từ bé. Năm 1945, ông làm cán bộ công đoàn đi tuyên truyền ở Vùng mỏ.
Đối với Võ Huy Tâm, việc đi vận động công nhân thì tuyên truyền là quan trọng nhất, cũng như điều tra, tổ chức vận động đấu tranh. Với hoàn cảnh của vùng địch thì tuyên truyền bằng lời nói là hình thức dễ nhất và tiện nhất. Lại phải biết nói thật khéo, thật ngắn gọn, dễ hiểu, làm cho anh chị em tin tưởng và làm theo, còn địch thì không làm gì được mình. Đấy là một nghệ thuật. Cho nên nói chuyện là một việc rất khó. Nếu cứ nói tình hình thế giới, trong nước thì không ai dám nghe, lại không có thì giờ và dễ bị bắt.
“Hoàn cảnh ấy làm cho chúng tôi phải thực tế, nói những chuyện gần gũi với thợ mỏ. Mà chính ở mỏ lại chứa đựng rất nhiều trái ngược, bất công, nên có rất nhiều chuyện. Chỉ một buổi sáng đã xảy ra những chuyện như: Tây đánh phu, tài xế xe hỏa bị cúp lương, thợ lò chết do sập lò, phu bỏ buổi đòi thêm lương, phố cũ có anh thua bạc đâm đầu vào xe điện tự tử… Đối với các việc quan trọng, tôi cố lợi dụng hoàn cảnh để đến tận nơi xem xét và nghe ngóng dư luận, xong đem những chuyện ấy xếp đặt cho có đầu đuôi, định rõ thái độ đối phó, rồi trình bày với các đồng chí trong chi bộ góp thêm ý kiến. Tôi xếp đặt lại rồi lại đưa ra chi bộ và công đoàn thông qua. Những câu chuyện ấy được coi là tài liệu tuyên truyền của công đoàn, các đồng chí đoàn viên có nhiệm vụ đem những chuyện ấy nói với mọi người. Rồi cứ thế tuyên truyền đi mãi. Họ kể cho nhau nghe như kể chuyện cổ tích. Khi nghe xong, chỗ nào còn thiếu thì họ lại thêm vào. Tôi thu lượm những ý mới, bào gọt lại rồi tuyên truyền đi nữa. Mỗi lần kể, lại một lần thêm vào. Các mẩu chuyện ấy từ cụ già đến các em bé ai cũng thích nghe và chính chúng tôi cũng thích nghe” – nhà văn Võ Huy Tâm tự thuật.
Nhà văn cho biết, thuở nhỏ ông hay đọc kinh Thánh và những truyện như Thạch Sanh, Truyện Kiều, Tống Trân Cúc Hoa, Tam quốc diễn nghĩa. Khi rỗi ông lại kể cho bà con trong xóm nghe. “Họ quý tôi, thường nhờ tôi đọc giúp thư gửi về quê. Đọc thư và viết thư, biết được tình cảnh anh em phu mỏ, tôi rất thương họ, vì họ cũng gặp cảnh ba đào như tôi. Nó làm cho chúng tôi ghét Tây muốn giết hết chúng mà không giết được. Lại ngồi với nhau chửi bóng, chửi gió tới bọn cai, bọn sếp và ký lục. Những cuộc chửi ấy thành những câu chuyện sau này như là tài liệu để tôi viết truyện Vùng mỏ” – nhà văn tự thuật.
Đối với Võ Huy Tâm, viết văn và nói chuyện văn chương là một quá trình khổ luyện. Nhà văn kể: Tôi đã cố viết thật dễ hiểu, nhưng chỉ nửa trang đánh máy mà anh em học cả tuần không thuộc, trong khi đó họ có thể đọc vanh vách cả một truyện thơ rất dài. Tôi mới biết họ cũng như tôi, học văn vần chóng thuộc hơn là văn xuôi. Khi ấy, tôi nảy ra ý viết vè và ca dao để dễ thuộc. Tôi đọc cho các đồng chí chi bộ nghe. Các đồng chí tán thành, học thuộc rồi truyền đi khắp nơi. Sau đó chừng một tuần quả nhiên nhiều công nhân cũng học thuộc.
Nhà văn Võ Huy Tâm viết tiểu thuyết “Vùng mỏ” từ tháng 8/1949 đến hết tháng 1/1951 thì xong. Phần đầu viết ở Cẩm Phả, phần cuối viết ở chiến khu Việt Bắc. Khi đó, ông mới chỉ đọc thông, viết thạo (năm 1961, Võ Huy Tâm mới vào học lớp 1, Trường Bổ túc công nông), chưa có khái niệm gì về ngữ pháp, về từ loại. Khi viết, thấy cần ngắt thì ông đặt dấu phảy, dứt mạch thì đặt dấu chấm, mỗi khi muốn cho câu “mềm” đi thì thêm các từ “thì”, “là”, “mà”…
Vốn là một cán bộ công đoàn, đọc các bài báo viết về Vùng mỏ khi ấy, Võ Huy Tâm thấy không thỏa mãn, ông có ý định viết hẳn một cuốn truyện, dự định đặt tên là “Đình công”. “Đình công” được nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng góp ý, sửa chữa, rồi được giải thưởng và in đi in lại nhiều lần với tên “Vùng mỏ”. Nhà văn tự thuật: Cho đến khi tôi được tin cuốn sách của mình được đoàn thể chú ý, Hội Văn nghệ Việt Nam gọi lên để sửa lại thì tôi mừng lắm. Đến nơi, được các đồng chí phê bình vạch rõ, tuy tập này có nhiều ưu điểm, có tính giáo dục, nhưng còn có những khuyết điểm rất lớn như chưa nói được sự lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng của cuộc kháng chiến đối với Vùng mỏ và sau lưng địch, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần tự phê bình và phê bình của công nhân. Tôi bắt đầu sửa lại những chỗ sai và viết thêm những chỗ thiếu. Viết lại là một việc gay go hơn, vì phải cố gắng nhớ lại những chuyện cũ để bổ khuyết cho những chỗ thiếu. Viết lại tuy khó, nhưng tinh thần phấn khởi hơn. Bên cạnh lại có các đồng chí văn nghệ sĩ luôn giúp đỡ ý kiến. Mỗi khi sửa xong một đoạn đem ra đọc để cho các đồng chí phê bình rồi lại viết lại. Có đoạn phải sửa đi sửa lại đến bảy tám lần. Gần hai tháng trời mới sửa xong.
Cuốn tiểu thuyết “Vùng mỏ” hoàn thành ở chiến khu Việt Bắc, nhưng bối cảnh của nó vẫn là Vùng mỏ. Nhà văn chia sẻ: Sở dĩ tôi viết xong được tập “Vùng mỏ” chính là nhờ hoàn cảnh gia đình tôi. Từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng sống gần bà con, anh em phu mỏ. Nhờ phong trào đấu tranh của giai cấp, nhờ công tác công vận của Đảng, nhờ cách học tập, cách viết trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” của Bác Hồ đã dạy tôi cách thức đấu tranh và cách viết quyển “Vùng mỏ”. Viết xong, tôi hy vọng có thể cống hiến được một phần nhỏ cho giai cấp.
Khi tiểu thuyết “Vùng mỏ” được xuất bản và nhà văn thì đã nổi tiếng, nhưng ông không dừng lại, mà vẫn tiếp tục con đường văn chương. Thậm chí ông còn gác tất cả mọi thứ khác để về Cẩm Phả tập trung viết văn. Võ Huy Tâm đưa cả gia đình lên núi để ở. Nơi núi rừng hai vợ chồng nhà văn khai phá được đặt tên là Thạch Anh trang (khu vực mỏ Khe Tam, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả ngày nay). Thạch Anh trang làm người nghe dễ lầm tưởng là biệt phủ, nhưng thực chất là túp lều nhỏ. Nhà văn đã đặt tên cho khu nhà của mình như vậy vì trên núi có nhiều đá thạch anh. Con trai út của ông được đặt tên là Võ Hồng Trang để nhớ về cái túp lều đó. Thạch Anh trang là nơi vợ chồng ông lao động để nuôi con, cũng là nơi ông tiếp bạn văn.
Vợ chồng nhà văn Võ Huy Tâm có 4 người con, lương công nhân ba cọc ba đồng, chế độ tem phiếu thì thấp, nên tháng nào cũng thiếu ăn. Thêm nữa, nhà dưới phố chật chội, chẳng có chỗ nào tử tế cho ông để ngồi viết, đành phải lên núi. Thạch Anh trang là một vùng rừng núi hoang vu, toàn đất đá và cây dại. Vợ chồng nhà văn phải vần đá, phát cây dại để trồng ngô, khoai, sắn và chăn nuôi lợn, gà. Nói là thế chứ lao động chính là bà Tuyến – vợ ông, còn Võ Huy Tâm chủ yếu lấy chỗ yên tĩnh để viết, thỉnh thoảng mới hỗ trợ vợ cuốc đất trồng cây.
Nhờ sự tảo tần của vợ, nhà văn Võ Huy Tâm vượt qua được nỗi lo cơm áo để tập trung vào viết. Ông còn thi vị hóa đời sống ở Thạch Anh trang: “Quần tụ Thạch Anh đá mấy hòn/ Tình thơ vẫn ấm túp lều con/ Sắn khoai gắn bó cùng nương rẫy/ Đào mận sum vầy giữa núi non”. Trong căn lều ấy, nhà văn Võ Huy Tâm đã viết nhiều tác phẩm như: Trăng bão, Măng bão, Rượu chát, Gánh chèo mảnh, Chỉ bọc vàng…
Ở Thạch Anh trang, nhà văn công nhân đã vinh dự được đón tiếp nhiều văn nghệ sĩ tới thăm, trong đó có những người nổi tiếng như nhà thơ Hoàng Trung Thông, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Vũ Tú Nam… Mỗi lần có khách, thứ đãi khách là sản vật vườn nhà do vợ ông tự nuôi trồng. Sau này, ông đã lấy một trong những bút danh của mình là Hà Tuyến như một sự biết ơn đối với người vợ hiền.
Khi được cán bộ, công nhân ngành than chung tay xây cho một ngôi nhà tình nghĩa ở phố Tô Hiệu (phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả), nhà văn Võ Huy Tâm mới bán Thạch Anh trang. Năm 1996, nhà văn Võ Huy Tâm qua đời trong ngôi nhà tình nghĩa này, để lại cho đời gia tài văn chương khá đồ sộ, với những tác phẩm nổi tiếng như: Vùng mỏ, Vỉa than lớn, Chiếc cán búa, Những người thợ mỏ…
Sau khi nhà văn Võ Huy Tâm qua đời, mọi đồ vật và cách bài trí căn nhà của ông vẫn được gia đình giữ nguyên như khi ông còn sống. Bà Tuyến còn dành căn phòng ông đã từng viết văn làm nơi thờ cúng và lưu giữ những kỷ vật, di cảo, huân, huy chương, bằng khen của ông. Trong căn phòng đó có bức tượng bán thân của nhà văn bằng than kíp lê do ngành Than tặng và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật nhà văn được truy tặng năm 2001.