Được tổ chức bởi NXB Phụ nữ Việt Nam và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (The Japan Foundation), sự kiện giao lưu với nhà văn Yoko Tawada có sự tham gia của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tiến sĩ văn học Hồ Khánh Vân – Phó trưởng khoa Văn học, ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM.
Ngoài ra các dịch giả đã từng làm việc với các tác phẩm của Tawada cũng sẽ tham gia trao đổi. Đó là dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên – thạc sĩ ngôn ngữ văn hóa thuộc ĐH Meio và Nguyễn Thị Ái Tiên – tiến sĩ ngôn ngữ và văn hóa Nhật thuộc ĐH Osaka từng tham gia chuyển ngữ tập truyện Hiến đăng sứ.
Dịch giả Nguyễn Thanh Tâm – tiến sĩ lý luận dịch thuật thuộc ĐH Kobe đã từng dịch thuật tiểu thuyết Mắt trần – cũng sẽ tham gia vào buổi tọa đàm.
Sự kiện dự kiến kéo dài 2 giờ đồng hồ với nhiều chủ điểm. Trong đó ở phần đầu tiên, nhà văn Yoko Tawada sẽ trò chuyện về cảm thức của mình đối với sự khủng hoảng của nhân thế qua câu hỏi: Ai là “Hiến đăng sứ”; từ đó luận bàn sâu hơn về việc văn chương của bà đang đứng ở đâu, giữa khôi hài, bi ai và triết luận?
Những trao đổi khác xoay quanh cuốn tiểu thuyết nối dài của bà cũng được đề cập. Đó là câu hỏi về chuyện gì đã xảy ra trên đỉnh Babel dựa trên một truyện ngắn cùng chủ đề trong Hiến đăng sứ, cũng như đặc tính siêu hiện đại trong văn chương của Yoko Tawada.
Phần 2 sẽ là cuộc trao đổi trong việc dịch thuật tác phẩm của nữ nhà văn. Các dịch giả và nhà phê bình sẽ nói về những khó khăn, thách thức cũng như trăn trở khi tái hiện một cách trọn vẹn những thể nghiệm, độc đáo, về giải cấu trúc cũng như khuynh hướng hậu hiện đại của tác giả này.
Câu hỏi lớn hơn về tương lai của trí tưởng tượng, của nhân loại và về những nhà văn (nữ) Nhật Bản trong không gian toàn cầu cũng được trao đổi, khi ngày càng nhiều các nhà văn đến từ đất nước này có danh tiếng lớn trên toàn thế giới.
Trong thời gian qua, văn chương nữ lưu Nhật Bản hiện đại có một tam giác nữ kiệt độc đáo. Đó là “đỉnh” Banana Yoshimoto mang màu trong suốt u huyền của những nỗi u sầu thường nhật âm ỉ bên trong như những dòng onsen ấm nóng ẩn ngầm giữa lòng đất.
Đó là “đỉnh” Amy Yamada nhuộm sắc nóng rẫy, dữ dội, cuồng bạo trong ái dục như quần thể ngũ hồ Shiretoko Goko sinh ra trong ào ạt núi lửa phun trào và đất đai sụt lún.
Còn “đỉnh” Yoko Tawada thì đượm tuyết phủ Fuji, điềm đạm tiếu ngạo nhân gian xôn xao dưới kia, mang đến cảm giác se sắt, buốt lạnh và lắm đau thương, để rồi từ đó thanh tĩnh chiêm nghiệm triết lý về hiện tồn của cõi người.
Theo các nhà phê bình, đọc văn chương của Yoko Tawada, chúng ta thấy hình hài của Athena – nữ thần sinh ra từ vầng trán của Zeus – hiển lộ trên con chữ và cấu trúc mạch kể, trên sự tưởng tượng phong nhiêu, kỳ lạ, đầy thông tuệ.
Ở đó chúng ta thấy mạch kết nối chảy xuyên từ niềm bi ai có tính đùa giễu hậu hiện đại vô cùng tráng lệ của Franz Kafka hòa quyện với chất triết lý thăm thẳm Yasunari Kawabata, tạo thành con đường tự sự Đông Tây, phối trộn vị Đức trong hương Nhật, mang lại phong cách siêu thực lạ lùng, tinh tấn lạ lùng, hài hước, trào lộng lạ lùng và bi thương cũng lạ lùng của nữ văn sĩ được xem là ứng viên sáng giá của Nhật Bản cho giải Nobel văn chương sắp tới.
Qua buổi trao đổi, độc giả Việt Nam có thêm cơ hội hiểu rõ hơn nữa những tầng ý nghĩa sâu xa trong văn chương của Yoko Tawada, từ đó góp phần mang nhà văn này đến gần hơn nữa với độc giả trong nước.
Trước đó, vào cuối tháng 8.2023, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản cũng như ra mắt tác phẩm Hiến đăng sứ, buổi tọa đàm “Hiến đăng sứ – Yoko Tawada và những thực tại đầy ám ảnh” đã được tổ chức tại TP.HCM, thu hút được sự chú ý của độc giả.