Đi nhiều, biết nhiều, từng trải qua nhiều vị trí khác nhau, Đặng Vương Hạnh tâm sự mình viết như để tri ân cuộc đời, cảm ơn những gì mình có được từ cuộc sống này. Chính vì thế, trang văn của anh lúc nào cũng có sức nặng từ thực tế, kết tinh từ chiêm nghiệm của bản thân và lấp lánh nét đẹp của nhân gian.
Cảm ơn hiện thực
Khởi nguồn về sự viết của mình, Đặng Vương Hạnh luôn tâm niệm mình thực sự biết ơn cuộc đời. Bởi theo nhà văn, nhà báo tuổi Canh Tuất, anh may mắn được sinh ra tại vùng quê Bắc Giang nhiều trầm tích văn hóa. Rồi anh lớn lên trong thời bao cấp với rất nhiều hiện thực cuộc sống mà nhiều năm sau này người ta còn kể lại. 18 tuổi, rời ghế nhà trường, anh bước chân vào quân ngũ. Lúc ấy, đất nước còn tiếng súng ở các mặt trận Vị Xuyên, Thanh Thủy, Hà Giang, Lạng Sơn… Ngoài hải đảo sóng dữ vẫn cồn lên từ mọi phía.
Tất cả những trải nghiệm ấy đều là tư liệu vô cùng quý giá và sống động, lưu trữ lại trong ký ức, trong ghi chép của một người có óc quan sát và ngôn ngữ văn chương. Hiện thực sống động ấy cũng thôi thúc anh phải viết, như con tằm rút ruột nhả tơ qua lăng kính của mình. Đến với văn chương từ rất trẻ, năm 1993, Đặng Vương Hạnh đạt giải Nhất cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” – một cuộc thi văn chương uy tín do báo Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với truyện ngắn “Dưới mặt trời”. Giọng văn hồn nhiên, trong trẻo và tài hoa của anh nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng giám khảo.
Đó là động lực để Đặng Vương Hạnh tiếp tục sáng tác và bước chân vào con đường văn chương chuyên nghiệp khi theo học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 5 sau khi xuất bản tiểu thuyết “Hiệp khách lang thang”. Sống và học tập trong môi trường mà xung quanh mình rất nhiều cái tên như Dạ Ngân, Bùi Mai Hạnh, Đào Phong Lan, Nguyễn Phúc Lộc Thành… Đặng Vương Hạnh vẫn có một lối đi của riêng mình.
Bằng việc nỗ lực học tiếng Pháp như một chìa khóa để mở ra cánh cửa hội nhập với thế giới, khi chưa tốt nghiệp anh đã được PGS, TS Đặng Anh Đào và Nhà văn hóa Hữu Ngọc đích thân lựa chọn, được Bộ Ngoại giao Pháp trao học bổng nghiên cứ về văn học và dịch thuật tại Đại học Aix-Marseille. Đây là dịp để anh tiếp xúc, thẩm thấu nền văn minh phương Tây, văn học văn hóa của phương Tây và làm giàu thêm kiến thức cho mình.
Bên cạnh đó, với khoảng hơn 30 năm làm báo và cũng trải qua rất là nhiều cương vị công tác khác nhau đã cho anh cơ hội được đặt mình vào nhiều bối cảnh, hiện thực khác nhau, gặp gỡ nhiều thân phận, cảnh đời khác nhau. Với tất cả những người viết, hiện thực ấy không bao giờ trượt qua đầu mà họ luôn thấy, hiểu, thẩm thấu, để rồi thêm hiểu về cuộc đời, hiểu về con người và chính bản thân mình thông qua sự chiêm nghiệm, để suy tư và cảm ngộ nhân tình, thế thái.
Đặng Vương Hạnh luôn cảm ơn tất cả những năm tháng ở trong quân ngũ, đi học ở môi trường văn chương hay nước ngoài và mấy chục năm lăn lộn trong làng báo, trải qua từ làm báo về chính trị xã hội, làm báo về an ninh, kinh tế, làm báo về khoa học kỹ thuật. Đó là trải nghiệm mà không dễ gì nhiều người có được.
Như con sông chở nặng phù sa gạn lọc nên những bãi bồi, cuộc đời đã cho Đặng Vương Hạnh quá nhiều và đến lượt anh viết để trả nợ cuộc đời. “Tôi viết tất cả những gì mình thu nhận, chắt lọc được như một sự thúc bách tự nội tại bản thân, như sự trút xả những năng lượng tích tụ được và trên hết là trả nợ và tri ân cuộc đời.
Cuộc đời này còn rất nhiều thăng trầm, còn rất nhiều vất vả, khó khăn, có cả tủi nhục, có cả đau thương nhưng lại quá nhiều niềm vui, hạnh phúc, rất nhân văn và bao dung. Sự tốt đẹp của cuộc đời đã thúc đẩy tôi tiếp tục sáng tác những tác phẩm văn chương, viết bằng tất cả tình yêu và trái tim mình”, Đặng Vương Hạnh gửi gắm.
Những khổ luyện văn chương
Cùng là hiện thực ấy, cùng là cuộc đời ấy, tại sao mỗi nhà văn lại cho ra những tác phẩm khác nhau? Điều đó phụ thuộc vào nhân sinh quan, tài năng cũng như sự khổ luyện cùng chữ nghĩa. Nói như nhà văn Lê Hoài Nam, Đặng Vương Hạnh được tiếp thu nền văn học, văn hóa phương Tây, anh cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử và triết học phương Đông, phương Tây nhưng anh không hề chịu ảnh hưởng của bất cứ tác gia đi trước nào. Anh có một lối đi riêng, làm nên thương hiệu Đặng Vương Hạnh và anh có quyền tự hào về điều đó.
Hỏi bí quyết, Đặng Vương Hạnh cười rất tươi. Theo anh: “Không nhà văn nào có thể hư cấu tất cả mọi thứ. Nó phải bắt nguồn từ cuộc sống. Và trong những trang viết của tôi thì bạn đọc có thể thấy được những cảnh đời, những câu nói hay, những tình huống rất đời thực. Đó là việc phải chịu khó quan sát cuộc sống phong phú, tấp nập, muôn hình vạn trạng ngoài kia. Rồi mình xâu chuỗi, nhào nặn, sáng tạo nên bằng ngôn ngữ và phong cách thể hiện của mình thì mới tạo nên sự khác biệt được”.
Chính bởi vậy, theo Đặng Vương Hạnh, sáng tác văn chương là công việc cực nhọc. Anh không viết nhiều. Tập sách thứ 5 “Đức mẹ online” của anh nhưng được sáng tác trong khoảng thời gian dài, tính bằng vài chục năm. Có những lúc anh tưởng mình không viết được nữa. Có những ngày chỉ viết được vài dòng rồi để đấy. Rồi nói như cụ Nguyễn Du “Phong vận kỳ oan ngã tự cư – Cái án phong lưu khách tự mang” (Độc Tiểu Thanh ký), người đã mang nghiệp văn chương rồi thì khó tránh, khó bỏ.
Cứ tiếp tục chiêm nghiệm, suy tư rồi thẩm thấu nhân tình thế thái thì tự nhiên cái mạch nguồn văn chương của mình lại tuôn chảy và anh lại viết trở lại. Văn chương với Đặng Vương Hạnh là sự đam mê nhưng anh cũng đặt ra cho mình “kỷ luật lao động” rõ ràng và nghiêm túc. Trong đó, viết khi có vốn sống, viết khi đã suy nghĩ nghiêm túc, trải nghiệm thật tròn đầy và viết như một sự lao động chứ không phải dễ dãi.
Có như thế, độc giả mới cảm nhận, soi chiếu được mình trong đó. Có như thế người đọc mới tâm đắc cùng những điều tác giả viết ra và rút ra cho mình được những điều gì đó tốt đẹp, đọng lại sau khi gấp cuốn sách lại. Để độc giả được thư giãn sau tất cả những xô bồ, bon chen của cuộc sống ngoài kia.
Với “Đức mẹ online”, tác phẩm có dung lượng gần 300 trang khổ lớn, gồm 8 truyện ngắn, với đề tài tình yêu, hạnh phúc gia đình và cả những vấn đề hậu chiến. Có thể nói “Đức Mẹ online” đã chạm tới những trái tim đa cảm và có trách nhiệm với cuộc sống. Qua góc nhìn đa chiều và mới mẻ của thời công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; cây bút từng mặc áo lính Đặng Vương Hạnh còn mang đến cho người đọc những trang sách như một dạng “Hồ sơ Di sản văn hoá hoà bình”.
Ta có thể nhận thấy nhân vật của nhà văn rất phong phú. Từ những người bình thường cho đến các doanh nhân, những người ở vị trí cao hơn, những người anh đã từng gặp gỡ, tiếp xúc và thấu hiểu thì đều được đưa vào trang văn.
Thông qua đó, anh muốn truyền đi thông điệp mà cho dù cuộc sống nó như thế nào thì người ta sẽ hướng đến những cái giá trị chân thiện mỹ tốt đẹp, vẫn là tinh thần nhân văn, vẫn là sự bao dung của con người.
Là một người đến với môi trường văn chương trước rồi song hành sự nghiệp văn chương và báo chí nhiều năm trong cuộc đời, Đặng Vương Hạnh cho rằng, cả nghề báo và nghiệp văn đều bổ khuyết cho nhau, tương trợ lẫn nhau để điều cuối cùng là tạo nên những tác phẩm có ích cho đời sống.
Với nhà văn, điều vô cùng quan trọng đó là vốn sống. Bởi không ai có thể tưởng tượng mãi mà rời xa thực tế. Bởi nếu rời xa thực tế thì cũng sẽ bị bạn đọc quay lưng.
Trong khi đó, công việc của nhà báo được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, đó chính là cơ hội, là điều kiện tốt nhất cho nhà văn thu nhận thực tế.
Cuộc sống có nhiều ngóc ngách mà người ta không thể biết hết được nếu chỉ ngồi một chỗ. Những con người, những cảnh đời thì mình đã cọ xát đã chứng kiến ấy đến một lúc nào đó những cái gì thuộc về văn chương sẽ tự dưng tuôn chảy ra. Tất nhiên, với những người “Cơm áo không đùa với khách thơ”, vì mưu sinh, vì nhiều lý do nhà văn viết báo sẽ không thể sáng tác được văn học nữa, theo anh đó cũng là quy luật của cuộc sống. Đó cũng là thực tế mà rất nhiều người viết phải tự biết cân bằng và rèn luyện mình trong dòng chảy của thời gian, của cuộc đời.
“Đức Mẹ online” là tập truyện ngắn mới nhất, cũng là cuốn sách thứ 5 của Đặng Vương Hạnh, được tập hợp từ những sáng tác trong một thời gian khá dài. Một vài truyện của anh đã xuất bản trên ấn phẩm uy tín như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một số chưa từng được công bố. Mỗi truyện ngắn có trong tập sách này tựa những lát cắt từ cõi đời nguyên sơ, hư thực, mà đầy tinh tế, tuyệt nhiên không hề thiếu vắng hương vị trác tuyệt. Bạn đọc có thể cảm nhận được sự thô ráp, trần trụi, đau đớn đôi khi đến tàn nhẫn của cuộc sống, cũng như những suy tư, cảm ngộ và nghiệm giải cá nhân không ngừng về những phận đời cùng bao thăng trầm nhân sinh bất tận. Và trên hết, đó là cuộc phiêu lưu không mệt mỏi theo đuổi cảm xúc và sáng tạo của một kẻ cô đơn, luôn lầm lũi trên con đường đi tìm chân giá trị, ý nghĩa đích thực của cuộc đời và số phận con người. Như rượu được chưng cất bởi những gì tinh tuý nhất, Đặng Vương Hạnh viết không nhiều song mạch ngầm văn chương vẫn chưa bao giờ vơi cạn! (Nhà văn Lê Hoài Nam). |
Theo Cẩm Tú (tuoitrethudo.com.vn)