Nhà văn Nguyệt Tú sinh năm 1925, tên thật là Nguyễn Nguyệt Tuệ, bà là con đầu lòng của Danh họa Nguyễn Phan Chánh – người nổi tiếng cả trên thế giới với bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan”. Là phu nhân của một chính khách lớn, cố Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch Mặt trận – Tướng quân Lê Quang Đạo, bà vẫn có một sự nghiệp riêng, làm báo viết văn, từng là phóng viên báo Nhân Dân, báo Phụ nữ Việt Nam và Giám đốc NXB Phụ Nữ.
Vào những năm tháng tuổi đã cao, bà vẫn giữ thói quen đọc báo, đọc sách hàng ngày và viết văn viết báo không ngừng nghỉ. Bà luôn luôn viết với niềm tự hào đặc biệt về hai người đàn ông lớn của cuộc đời bà: Người cha – Danh hoạ Nguyễn Phan Chánh và người chồng – Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo.
Tôi vẫn còn nhớ những cuộc điện thoại bà gọi cho tôi, những bức thư bà gửi qua gmail khi tuổi đã cao. Đó là khi có những bài viết mới, bà muốn gửi cho xem. Và lần nào gọi điện nhờ bà viết bài, bà cũng sẵn sàng viết và nhờ sự giúp đỡ của cô thư ký để chuyển bài đến. Bà yêu chồng và hiểu ông, trong những bài viết về cố Chủ tịch Lê Quang Đạo, bà gọi ông là người thương dân và ái dân. Bà luôn luôn muốn viết về ông trong những ngày thực hiện và bảo vệ dự án Luật Mặt trận trước Quốc hội. Những cuộc họp Đảng đoàn Mặt trận vào tối muộn. Những đêm ông thức trắng. Để rồi Luật Mặt trận được Quốc hội thông qua năm 1999, chỉ vài tháng khi Chủ tịch Lê Quang Đạo từ trần.
Thuở bé bà sống ở Hà Nội, khi đó cha bà dạy bộ môn Mỹ thuật ở trường Bưởi. Tuy nhiên, sau đó, cụ Phan Chánh đã nghỉ dạy, rời Hà Nội và đưa cả gia đình trở lại quê ở thị xã Hà Tĩnh.
Trở về Hà Tĩnh, để nuôi sống gia đình, cụ Phan Chánh đi nhiều nơi vẽ tranh truyền thần làm ảnh thờ cho người dân trong vùng. Cảnh nhà nhiều khi lâm vào cảnh khó khăn túng quẫn, vì công vẽ của cụ đôi khi chỉ là mấy củ khoai. Trong hoàn cảnh này, bà vẫn được cha mẹ động viên cho đi học.
Vượt qua hàng trăm thí sinh khác, bà đỗ đầu vào trường nữ sinh Đồng Khánh, khóa 1940 – 1944. Vì đỗ đầu nên bà được cấp học bổng trong suốt 4 năm học và được ưu tiên ở nội trú. Bà thi đỗ Thành chung năm 1944.
Hè năm 1942, trong một lần trường Đồng Khánh tổ chức cho học sinh đi dã ngoại ở Đà Lạt (Lâm Đồng), bà Tú gặp bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng – khi đó đang theo học tú tài phần 2 ở trường Quốc học Huế (sau này, bà Diệu Hồng là một trong hai người đọc lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào Hà Nội đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát Lớn, ngày 17/8/1945). Và bắt đầu được dẫn dắt vào con đường hoạt động cách mạng.
Mùa hè năm 1945, bà Tú trở về Hà Tĩnh. Sáng 18 tháng 8 năm 1945, cuộc mít tinh lớn đã nổ ra ở Hà Tĩnh, bà Nguyệt Tú đứng hàng đầu cuộc mít tinh. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng, không xảy ra đổ máu và đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh lị giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Ủy ban Lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Ủy ban Phụ nữ có hai người: bà Trần Thị Thảo, đảng viên cộng sản từ năm 1930, làm Bí thư, và bà Tú là Phó Bí thư. Cha bà, cụ Nguyễn Phan Chánh làm Ủy viên thường vụ Văn hóa cứu quốc.
Bà Nguyệt Tú gặp nhà cách mạng Lê Quang Đạo lần đầu tiên vào một ngày thu năm 1946 tại Hà Nội. Khi đó, ông đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, còn bà là cán bộ phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội, đến báo cáo công tác với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ mối quan hệ công việc, thường xuyên gặp mặt trong nhiều sự kiện, hai người dần nhận ra tình cảm dành cho nhau.
Trong hồi ký bà kể: “Tháng 9-1948, nhân bữa cơm tiễn đoàn cán bộ Trung ương do anh Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam công tác, đám cưới của chúng tôi cũng diễn ra. Hội chị em đi tìm những bông hoa rừng được hái về làm hoa cưới. Chú rể vẫn mặc bộ quần áo nâu thường ngày. Cô dâu quấn đuôi sam, mặc chiếc áo nâu, quần lụa đen mượn được của bạn do hành lý bị thất lạc sau đợt tấn công lên chiến khu Việt Bắc của thực dân Pháp cuối năm 1947. Trong đám cưới, anh Đạo hát bài “Cây trúc xinh” đúng chất quan họ Bắc Ninh quê anh rất hay!”
Chuyện của ông bà, ngoài tình yêu, nghĩa vợ chồng, còn có cả tình đồng chí. Thời gian ông ra trận, là những tháng ngày bà thấp thỏm, âu lo nhưng luôn hết lòng động viên chồng yên tâm làm nhiệm vụ.
Khi đã ngoài 90 tuổi, bà vẫn sắc sảo và có trí nhớ mẫn tiệp. Trong mỗi câu chuyện bà kể, luôn luôn có bóng dáng của cố Chủ tịch Lê Quang Đạo những ngày là vị tướng tham gia chỉ huy Mặt trận Quảng Trị, những ngày làm Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là những tháng năm làm Chủ tịch Mặt trận.
Lúc ông là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà đã nghỉ hưu, có thời gian bà đã chắp bút viết hồi ký cho ông và ghi lại tất cả những công việc ông làm, những trăn trở của ông về đất nước và nhân dân. Bà kể, nhiều khi tác phẩm của mình xuất bản, ông Đạo còn vui hơn cả tác giả. Có lần bà kể: “Tôi và anh Đạo cùng lớn lên trong môi trường học sinh, cùng đi hoạt động cách mạng, cùng thích thơ văn. Ngoài tình yêu chân thành, thì sự kiên nhẫn, bao dung và thấu hiểu lẫn nhau đã giúp chúng tôi có những ngày hạnh phúc như thế!”.
Có thể nói không sai rằng trong cuộc đời của cố Chủ tịch Lê Quang Đạo, có công lao rất lớn của bà Nguyệt Tú với sự thăng hoa trong tình yêu của 2 ông bà, với sự động viên, chia sẻ lớn lao của bà cả từ những ngày ông làm Chính uỷ ngoài mặt trận lẫn sau này khi ông lần lượt đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội rồi Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ở Mặt trận nhiều năm, các cán bộ ở cơ quan Mặt trận Trung ương đã quen thuộc với sự duyên dáng, mẫn tiệp của “cô Tú”, “bà Tú”. Là phu nhân “cụ Đạo” như cách gọi quen thuộc của mọi người, bà là người vô cùng thân mật gần gũi.
Phải nói rằng sau 28 năm tham gia quân đội, kể từ Chiến dịch Biên giới, thì thời gian anh Đạo công tác lâu nhất là ở Mặt trận Tổ quốc: 17 năm. Sau Đại hội Đảng khóa VI (1986), anh Đạo được phân công làm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giữa năm 1987, anh được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa VIII nhưng vẫn giữ chức Bí thư Đảng đoàn Mặt trận liên tục trong nhiều năm. Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ tư, anh Đạo được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thời gian công tác, anh đã dành tất cả trí tuệ, công sức và tâm huyết của mình cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Anh luôn tâm niệm: Mặt trận là chiếc cầu nối giữa Đảng với dân.
Anh Đạo nhiều lần trăn trở :
– Người dân bình thường khó phát biểu được với Quốc hội. Nơi họ dễ nói nhất, gần họ nhất là Mặt trận Tổ quốc. Bằng cách nào đây để chính sách đề ra phù hợp với nguyện vọng của dân?
Công cuộc đổi mới kinh tế sẽ không thành công nếu thiếu sự tham gia, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Bằng cách nào đây để các ý kiến bên Mặt trận Tổ quốc được các cơ quan chức năng lắng nghe và thực hiện? Khóa họp cuối cùng của Quốc hội khóa X rất căng thẳng khi bàn đến Luật Mặt trận. Theo đề nghị của anh Đạo, phải cụ thể hóa quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức. Để thực hiện được việc ấy, anh đã làm việc tận tụy để Luật Mặt trận được thông qua.
Hai tháng trước khi mất, trong cuộc họp Quốc hội anh Đạo phát biểu: “… Theo đường lối, quan điểm của Đảng ta, chúng ta phải phát huy vai trò làm chủ của nhân dân chủ yếu bằng Nhà nước qua các tổ chức đại diện quyền lực của nhân dân tức là qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và qua các tổ chức quyền lực khác của Nhà nước vì Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân.
Đồng thời việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân bằng các tổ chức chính trị xã hội của mình, qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân là rất quan trọng.
Lại không thể thiếu được việc phát huy vai trò làm chủ trực tiếp của nhân dân, nhất là cơ sở như chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước.
Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nhân dân”.
(Trích bài viết của nhà văn Nguyệt Tú về cố Chủ tịch Lê Quang Đạo)
Nguồn: https://daidoanket.vn/nha-van-nguyet-tu-phu-nhan-co-chu-tich-le-quang-dao-mot-tinh-yeu-lon-10290099.html