Tại đây, ông kể lại con đường văn chương của mình với nhiều tình tiết lý thú, một trong những chuyện hấp dẫn nhất là cơ duyên giúp ông thắng giải Pulitzer (1993).
Buổi giới thiệu sách chỉ có 6 người
Ông chia sẻ ở thời điểm đó, các nhà xuất bản trong nước có thể đề cử một vài quyển sách họ đã xuất bản trong năm gửi về ủy ban xét giải thưởng Pulitzer.
Ủy ban này sẽ chọn ra 3 giám khảo chấm vòng loại, có thể là những nhà phê bình, học giả hoặc nhà văn nổi tiếng.
3 người này sẽ phải xem khoảng 5.000 cuốn sách được đề cử. Mỗi người sẽ chọn ra 1 cuốn để vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết, 18 người trong ủy ban xét giải sẽ chọn ra tác phẩm chiến thắng chung cuộc từ 3 cuốn trên.
Năm 1992, Robert Olen Butler viết một trong những tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Hương thơm từ núi lạ” (A good scent from strange mountain). Sau khi tác phẩm ra đời, ông tham gia những buổi giới thiệu ở các hiệu sách để dễ bán sách hơn.
Trong một đêm giới thiệu sách như vậy ở thành phố Seattle, chỉ có 6 người đứng nghe Robert Olen Butler đọc và giới thiệu về quyển sách mới. “Tôi đã nghĩ rằng, nếu họ ở đây để nghe tôi nói, tôi sẽ đọc trái tim mình cho họ nghe”, ông nhớ lại.
Điều bất ngờ là trong 6 người lắng nghe buổi tối đó có tiểu thuyết gia người Mỹ Charles Johnson.
Một năm sau, Charles Johnson trở thành 1 trong 3 giám khảo lựa chọn sách sơ loại cho giải Pulitzer. Trong 5.000 quyển sách vòng loại, Charles Johnson chọn quyển “Hương thơm từ núi lạ” của Robert Olen Butler. Một trong những lý do là vì những ấn tượng từ buổi giới thiệu sách.
Cuối cùng, quyển “Hương thơm từ núi lạ” giành giải thưởng Pulitzer ở hạng mục tác phẩm hư cấu năm 1993.
“Đó là một trong những bài học của tôi. Hãy làm những gì tốt nhất có thể, một cách chân thành và tận tâm nhất có thể”, Robert Olen Butler nói.
Tình yêu Việt Nam của nhà văn Mỹ
Năm 1969, nhà văn Robert Olen Butler tham gia quân đội Mỹ và được đưa đến miền Nam Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam, ông học tiếng Việt tại Washington D.C.
Ông cho biết nhờ biết đôi chút tiếng Việt nên trong 3 năm ở Việt Nam, ông có thể tìm hiểu nhiều về văn hóa và con người Việt Nam. Trong thời gian tại Biên Hòa, ông kể mình được gặp gỡ nhiều nông dân, ngư dân và công chức địa phương, đều là những người đối xử với ông như một người bạn.
Năm 1971 khi chuyển về Sài Gòn, ông thích lang thang mỗi đêm quanh những con hẻm khu trung tâm để quan sát cuộc sống của người dân và trò chuyện với họ.
Ông chia sẻ khoảng thời gian ở Việt Nam giúp ông khai mở được mọi giác quan khi sáng tác. Không chỉ đơn thuần nhìn bằng mắt mà cảm nhận những thứ xung quanh bằng tất cả giác quan cơ thể khi truyền tải vào tác phẩm.
“Đất nước của các bạn đã trở thành một phần lâu dài trong tôi và sự hiện diện này tiếp tục lớn lên, hình thành, tiếp thêm năng lượng và hướng dẫn quá trình sáng tạo của riêng tôi. Và cuối cùng nó cũng định hình cách mà tôi đã dạy quá trình đó ở các đại học Mỹ và trong các hội nghị trên khắp thế giới trong 40 năm qua”, Robert Olen Butler nói.
Từ Việt Nam trở về Mỹ sau năm 1971, Robert Olen Butler bắt đầu viết những quyển sách đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên của ông phải gửi đến 22 nhà xuất bản khác nhau trong hơn 2 năm mới có đơn vị chịu xuất bản.
Theo Robert Olen Butler, những thách thức luôn có mặt trong khoảng thời gian đầu khi bạn bắt đầu một đam mê. Nhưng quan trọng là vững lòng theo đuổi đam mê ấy và sẵn sàng khi một ngày cơ hội đến với mình.