Nhà văn Đặng Vương Hưng vừa ra mắt cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam. Đây là tác phẩm tiếp nối trong bộ sách Những lá thư thời chiến Việt Nam, Nhật ký thời chiến Việt Nam do ông khởi xướng từ năm 2004. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp CLB Mãi mãi tuổi 20, CLB Trái tim người lính tổ chức cuộc giao lưu với đông đảo độc giả, đặc biệt nhiều sinh viên và độc giả trẻ.
Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng tâm sự nhiều năm khoác áo lính, từng cầm súng chiến đấu ở biên giới phía Bắc, nhiều năm làm báo, sách cho lực lượng vũ trang nên sự đồng cảm và nguồn tư liệu quý giá này đến một cách tự nhiên.
Nhà văn Đặng Vương Hưng (thứ hai từ phải qua) chia sẻ về quá trình sưu tầm thư chiến trường. |
Cơ duyên bắt đầu từ năm 2004 khi một người sưu tầm thư thời chiến ở Mỹ sang Việt Nam xin một cuộc hẹn với Đặng Vương Hưng. Chung ý tưởng sưu tầm những trang thư, nhật ký liên quan tới chiến tranh nên Đặng Vương Hưng khởi xướng việc thu thập thư, nhật ký của bộ đội ta trong các cuộc kháng chiến.
Những lá thư thời chiến Việt Nam (NXB Chính trị quốc gia Sự thật) gồm 200 bức thư do nhà văn Đặng Vương Hưng tuyển chọn từ hàng triệu bức thư gửi về. Những dòng thư có thể được viết vội trong lúc dừng nghỉ chân giữa những chặng hành quân, trước khi vào trận chiến, có những lá thư viết bằng thơ, có những lá thư được viết hộ vì người đứng tên không biết chữ…
Năm 2005 ông xuất bản cuốn sách đầu tiên về những lá thư chiến trường, cùng với đó là các dự án xuất bản sách Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Sau này, nhiều cựu chiến binh chung tay cùng tác giả ra mắt và duy trì tủ sách Mãi mãi tuổi 20. Gần 20 năm nay, Đặng Vương Hưng cho in 4-5 tập thư chiến trường.
“Tính chân thực của những lá thư không gì sánh bằng. Những lá thư, nhật ký là chuyện riêng tư nên gần như hoàn toàn trung thực, khách quan bởi chẳng ai nghĩ rằng mấy chục năm sau những trang thư lại được in thành sách. Trong thư, nhật ký họ tâm sự về tình yêu, gia đình thậm chí không ngại nói tới cái chết, nhắc đến nỗi đau của đồng đội”, nhà văn Đặng Vương Hưng nói.
Nhiều cựu chiến binh chiến đấu ở nhiều chiến trường xưa tề tựu trong cuộc giao lưu. |
Ông giới thiệu một loạt người cựu chiến binh từng nhiều lần chôn cất đồng đội ở chiến trường, hiện nay tích cực tham gia những cuộc thăm chiến trường xưa, tặng quà những gia đình có công, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi miền. Đó là cựu binh Hà Minh Sơn (tác giả cuốn Nam chinh Bắc chiến), ông Lê Đức Nghinh…
Từ việc sưu tầm tới xác minh, tuyển chọn in sách không hề dễ dàng, bởi có nhiều lá thư gửi về không hề có nội dung thuyết minh về người gửi, người nhận hoặc vì những lý do đặc biệt khác mà trở thành thư vô danh. Vì vậy số lượng thư gửi về hàng vạn, cả triệu bức nhưng số lượng được sử dụng, in sách không nhiều.
Những lá thư thời chiến Việt Nam vừa được ấn hành nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023. |
Chia sẻ thêm về cơ duyên theo đuổi việc sưu tầm thư chiến trường, nhà văn Đặng Vương Hưng bộc bạch ban đầu là do chuyên môn đòi hỏi cần tìm hiểu tư liệu liên quan đến những trang tư liệu chiến tranh.
“Sau đó từ cơ duyên thành món nợ. Càng làm tôi càng thấy mắc nợ nhiều hơn”, ông nói. Ông gửi lời tri ân tới các cựu chiến binh, nhiều gia đình và cá nhân không ngừng khích lệ ông đi tiếp để có thể nối dài những cuốn sách về thư, nhật ký thời chiến.
Tại cuộc giao lưu, bà Trần Hồng Dung – Phó chủ tịch Thường trực CLB Mãi mãi tuổi 20 chia sẻ những kỷ niệm xúc động của hàng trăm chuyến đi về chiến trường xưa và tình cảm của các Cựu chiến binh đến với vùng sâu, vùng xa. Bà rưng rưng nhắc đến kỷ niệm thăm một cựu chiến binh có hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Giang. Người ấy khao khát gặp đồng đội trước khi nhắm mắt, trong mắt ông chỉ cần người khoác áo lính, không cứ cùng chiến đấu mới là đồng đội.
Đại tá, nhà văn Trần Trọng Giá – Thường trực Hội đồng Quản lý CLB Trái tim người lính tâm sự về những kỷ niệm đầy xúc động tại chiến trường và những hoạt động của CLB Trái tim người lính.
Tienphong.vn